1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cứu thành công sản phụ mang 4 thai tự nhiên bị tiền sản giật

(Dân trí) - Được chuyển đến bệnh viện Từ Dũ trong tình trạng chuyển dạ sinh non, tiền sản giật ngay lập tức sản phụ được chỉ định mổ bắt con. 4 bé gái đã lần lượt chào đời, đây là ca mang đa thai rất hiếm gặp.

Sản phụ vừa đón nhận niềm vui khôn tả khi cùng lúc sinh được 4 “cô công chúa” là chị Trần Thị Tình (31 tuổi, ngụ tại Lai Vung, Đồng Tháp). Được biết đây là lần sinh thứ 3 của chị Tình, lần thứ nhất chị sinh một bé gái vào năm 2000 lần thứ 2 chị sinh một bé trai vào năm 2006. Cách đây 8 tháng chị Tình mang thai tự nhiên, đến tháng thứ 2 chị đi khám tại bệnh viện địa phương bác sĩ cho biết chị mang hai phôi thai, nhưng đến tháng thứ 4 chị đi khám lại thì số phôi thai đã tăng lên 4, tất cả đều có tim thai và khỏe mạnh bình thường.
4 nàng công chúa vừa được chào đời
4 "nàng công chúa" vừa được chào đời

Khi thai kỳ được 32 tuần tuổi (8 tháng) chị Tình cảm thấy trong người mệt mỏi, khó chịu nên đến bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp kiểm tra. Ngay sau đó chị được chuyển lên bệnh viện Từ Dũ vào ngày 20/6 trong tình trạng dọa sinh non, tiền sản giật. Qua kiểm tra bác sĩ ghi nhận thai phụ mang 4 thai sống (3 ngôi đầu và 1 ngôi ngang) cổ từ cung đã mở 5cm nhưng huyết áp tăng cao.

Khoảng 22 giờ cùng ngày sản phụ được chỉ định mổ bắt con, 4 bé gái với cân nặng 1,2kg; 1,5kg; 1,6kg; 1,7kg lần lượt chào đời. Vì thai non tháng nên ngay sau sinh các bé được hồi sức tích cực và theo dõi tại khoa sơ sinh. Đến ngày thứ 6 sau sinh hầu hết các bé đã có thể tự thở khí trời và bú sữa, riêng bé nhẹ cân nhất mới chỉ bú được 4ml sữa.
Sức khỏe của sản phụ đã ổn định và có thể xuất viện trong ngày mai
Sức khỏe của sản phụ đã ổn định và có thể xuất viện trong ngày mai
 
BS Trần Ngọc Hải, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, bệnh viện Từ Dũ cho biết: “Đến nay tình trạng của sản phụ đã ổn định, có thể xuất viện trong ngày mai nhưng các con của chị sẽ được tiếp tục chăm sóc và theo dõi tại khoa Sơ sinh. Đây là trường hợp mang 4 thai tự nhiên đặc biệt hiếm gặp với tỷ lệ 1/700.000.”  

Vân Sơn