Cứu sống thai phụ bị sét đánh nguy kịch

(Dân trí) - Sau 3 tuần được điều trị tích, thai phụ đang mang thai 22 tuần bị sét đánh nguy kịch khi đang làm đồng đã thoát khỏi nguy hiểm. May mắn thai nhi trong bụng mẹ đến giờ qua đánh giá siêu âm vẫn phát triển bình thường.

Nhiều tổn thương trên ngực thai phụ do sét đánh - Ảnh do bác
sĩ cung cấp
Nhiều tổn thương trên ngực thai phụ do sét đánh - Ảnh do bác sĩ cung cấp

Trước đó, như Dân trí đưa tin, chiều 23/6, chị Nguyễn Thị H (21 tuổi, Hiền Lương, Sóc Sơn, Hà Nội) đang làm đồng thì xuất hiện cơn giông mưa có kèm sấm chớp. Chưa kịp tìm nơi trú ẩn, chị H đã bị sét đánh vào vùng ngực trái.

Đáng nói là khi bị sét đánh, chị H đang mang thai 22 tuần. Sau khi bị sét đánh thẳng vào vùng ngực trái, chị H bị ngã xuống ruộng, vật vã kích thích. Những người cùng làng đang làm gần đó đã nhanh chóng đưa bệnh nhân vào BV Phúc Yên trong tình trạng hôn mê, ứ đọng hầu họng (do trào ngược và nôn mửa), thở nhanh 30 lần/phút, hạ oxy máu (SpO288%), mạch nhanh, huyết áp nhanh, tình trạng rất nguy kịch....

Tại đây, bệnh nhân được siêu âm thai cấp cứu tại giường. Phát hiện tim thai vẫn còn, các bác sĩ nhanh chóng đặt nội khí quản, thở máy để cấp cứu và khi tình trạng bệnh nhân ổn định đã chuyển lên khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) ngay chiều cùng ngày.

“Bệnh nhân được chẩn đoán bị sét đánh gây xuất huyết não lan tỏa 2 bán cầu và tổn thương sợi trục thần kinh. Và điều kỳ diệu là hai mẹ con chị đã được cứu sống”, TS. Nguyễn Văn Chi phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết.

ThS. BS Lương Quốc Chính (khoa Cấp cứu, BV Bạch Mai) cho biết thêm, sau thời gian dài hôn mê, hiện bệnh nhân không còn phải thở bằng máy, mạch, huyết áp ổn định và điều may mắn là thai nhi vẫn được an toàn. Sức khỏe bệnh nhân ổn định, trả lời và đáp ứng theo lệnh. Theo dự kiến, trong vài ngày tới, bệnh nhân sẽ được chuyển đến nơi thích hợp để tiếp tục điều trị và chăm sóc thai nhi.

BS Chính cho biết thêm, sét đánh có thể gây những hậu quả nặng nề, thậm chí ngừng tim ngay lập tức; một số trường hợp có thể bị bỏng nặng, có thể tổn thương các cơ quan nội tạng, bị chấn thương, có thể mất ý thức tạm thời, lú lẫn hoặc rơi vào hôn mê,.. Vì vậy, khi nạn nhân bị sét đánh với các biểu hiện bất tỉnh, liệt, đau ngực, khó thở, tổn thương bỏng... cần phải được cấp cứu tại chỗ rồi chuyển đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Khi gặp một bệnh nhân bị sét đánh và có các biểu hiện bất tỉnh hoặc liệt, đau ngực, khó thở, biến dạng tứ chi... hãy gọi xe cấp cứu để chuyển bệnh nhân tới bệnh viện càng sớm càng tốt.

Nếu thấy bệnh nhân ngừng thở hoặc không có mạch, phải ngay lập tức tiến hành hồi sinh tim phổi cho người bệnh bằng ép tim ngoài lồng ngực liên tục hoặc qua trợ giúp của cán bộ y tế 115 trên điện thoại.

Trong mùa mưa bão, tai nạn do sét đánh có thể xảy ra với bất cứ ai. Hầu hết số người bị thương hoặc chết do sét đánh đang ở ngoài trời để tham gia các hoạt động giải trí như câu cá, chèo thuyền, bơi lội, hoặc chơi thể thao, làm đồng ruộng, làm việc ngoài trời tại công trường xây dựng...Vì thế, khi thấy mưa giông kèm sấm sét, để phòng nguy cơ bị sét đánh mọi người nên cần nhanh chóng di chuyển vào nơi trú ẩn (không trú dưới gốc cây), tránh xa các vật dụng bằng kim loại(như ở đồng ruộng, nhất là người nông dân có các dụng cụ làm đồng như cuốc, liềm... bằng chất lượng sắt rất “hút” tia sét).

Nếu không tìm thấy nơi trú ẩn, hãy cúi mình trong tư thế bắt bóng. Đặt hai tay lên đầu gối hoặc che lên tai (bảo vệ tai khỏi tiếng sấm). Nếu ỏ cạnh một người khác thì nên cách nhau 4,5m.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, ngay cả khi đã trú ẩn trong nhà cũng cần đóng kín tất cả các cửa sổ và tránh xa chúng. Không sử dụng điện thoại bàn và các thiết bị điện bao gồm cả máy tính. Sét có thể tấn công đường dây ngoài trời và lan truyền vào trong.

Hồng Hải

(tranhonghai@dantri.com.vn)