BV Trung ương Huế:

Cứu sống sản phụ tim ngừng đập do tắc mạch phổi bởi nước ối

(Dân trí) - Ngày 7/7, tin từ BV Trung ương Huế cho biết 2 khoa Sản và Gây mê hồi sức A đã phối hợp cực kỳ nhịp nhàng, nhanh trí, cứu sống 1 sản phụ tim ngừng đập do tắc mạch phổi bởi nước ối.

Theo đó, bệnh nhân Dương Thị Quỳnh S. (34 tuổi, trú Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, sinh con so) nhập viện ngày 26/6 để theo dõi thai 34 tuần tuổi vì gần sinh. Bệnh nhân đã được đánh giá kỹ về sức khỏe, đặc biệt là tim mạch, chưa phát hiện bệnh lý gì lạ.

Vào 16h chiều ngày 2/7, bệnh nhân được chẩn đoán đa ối cấp, em bé đã chết trong bụng mẹ. Tại đây, các bác sĩ Khoa Sản quyết định dùng biện pháp đặt thuốc gây chuyển dạ để lấy thai nhi ra ngoài. Sau khi đặt thuốc kích thích, sản phụ S. có dấu hiệu chuyển dạ, ối vỡ.

Tiếp đó, bệnh nhân lên cơn khó thở, co giật, người tím tái và tim ngừng đập. Chỉ trong 5 phút, ê-kíp y bác sĩ Khoa Sản đã chuyển chị S. qua khoa Gây mê Hồi sức A, kịp thời đặt nội khí quản cho bệnh nhân để không bị chết não.

Sau khi được ê-kíp của khoa Gây mê Hồi sức đứng đầu là PGS.TS. Nguyễn Viết Quang, Trưởng khoa chỉ đạo cùng ThS. BS.Nguyễn Văn Trí, BS CK I Nguyễn Thanh Quang, CN. Nguyễn Xuân Hiền hồi sức tích cực, hỗ trợ các thuốc tim mạch, chuyền máu, sản phụ đã sinh thường 1 thai nhi chết lưu.

Theo ThS. BS CK II. Bạch Cẩm An, Trưởng khoa Sản, BV Trung ương Huế, cho biết qua chẩn đoán ban đầu, các bác sĩ xác định nguyên nhân sản phụ tim ngừng đập là do thuyên tắc mạch phổi do nước ối thai nhi. Đây là một biến chứng rất nặng, thông thường bệnh nhân sẽ tử vong.

Cứu sống sản phụ tim ngừng đập do tắc mạch phổi bởi nước ối
Chị S. đã được các y bác sĩ 2 khoa Sản, Gây mê Hồi sức A (BV Trung ương Huế) cứu sống khi tim đã ngừng đập

PGS.TS. Nguyễn Viết Quang, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức A cho biết về quá trình Gây mê hồi sức - đây là khâu cực kỳ quan trọng để có thể cứu được bệnh nhân được sống: “Chúng tôi dùng phương pháp cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn. Khi bệnh nhân vào, lập tức đặt nội khí quản, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đúng 15 phút sau, tim bắt đầu có nhịp trở lại.

Tiếp tục hô hấp nhân tạo và bóp tim hỗ trợ, 30 phút sau bệnh nhân có chiều hướng tỉnh, có thở lại, tim trở về nhịp xoang (nhịp bình thường). Môi bệnh nhân từ tím tái đã hồng trở lại, người từ lạnh chuyển ấm. Sau đúng 1 tiếng, mạch huyết áp ổn định dần, chúng tôi chuyển bệnh nhân sang phòng hồi sức tích cực và cho thở máy, chuyền máu, bù dịch và điện giải.

Qua 2 ngày thở máy, tình trạng bệnh nhân ổn dần. Chị S. đã được cai máy và rút nội khí quản. Đến hôm nay, chị S. đã tỉnh táo hoàn toàn, ăn uống được. Các dấu hiệu sống như mạch, huyết áp bình thường”.

PGS.TS Quang cho hay, trên thế giới, trường hợp tắc mạch ối (hay còn gọi là tắc mạch phổi do nước ối thai nhi) đa số bị tử vong. Tỷ lệ gặp bệnh này hiếm, nhưng khi gặp thì ca nào cũng rất ít cơ may sống sót. Bệnh nhân S. được cứu sống là nhờ sự phối hợp rất nhuần nhuyễn giữa 2 khoa Sản và Gây mê Hồi sức. Nếu khoa Sản chuyển bệnh nhân qua chậm thì cũng vô vọng. Về phía khoa Gây mê Hồi sức phải có kinh nghiệm xử lý. Qua đây, PGS.TS Nguyễn Viết Quang cho biết bản thân cũng như các đồng sự rất hạnh phúc vì đã cứu được một bệnh nhân bệnh hiếm trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”.

Cứu sống sản phụ tim ngừng đập do tắc mạch phổi bởi nước ối
PGS.TS. Nguyễn Viết Quang, Trưởng Khoa Gây mê Hồi sức A hàng ngày nhiều lần đến theo dõi tình hình sản phụ S.

Cũng trong phiên họp giao ban đầu tuần ngày 6/7, Ban giám đốc BV Trung ương Huế đã biểu dương 2 khoa Sản và Gây mê Hồi sức A vì đã cứu sống bệnh nhân S. Đây là một ca bệnh hiếm với tỷ lệ tử vong cực kỳ cao khi bệnh nhân đã ngừng thở, nhưng với kinh nghiệm, cách phản ứng nhanh của êkip y bác sĩ 2 khoa, đã cứu được tính mạng sản phụ S..

Đại Dương