Nghệ An:
Cứu sống nhiều bệnh nhân đã chết lâm sàng
(Dân trí) - Chỉ trong vòng 3 tháng, khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã cứu được 7 trường hợp trở về từ cõi chết.
19h30 ngày 18/1/2013, Khoa cấp cứu hồi sức tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Thị Thuận (SN 1959, xóm 6, xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu) trong tình trạng: toàn thân tím tái, ngưng thở, hôn mê sâu, mạch không có, huyết áp 0/0 - chết lâm sàng.
Bác sỹ trưởng khoa Phan Bá Bằng và các điều dưỡng viên lập tức cấp cứu ngưng tuần hoàn và xử lý theo phác đồ cấp cứu Sốc phản vệ, ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng Ambu dầu ô xi sau đó đặt ống nội khí quản. Sau một tiếng đánh vật với tử thần, kíp trực cứu bà Thuận thoát khỏi cái chết trong gang tức. Huyết áp của bệnh nhân từ 0/0 tăng dần lên 90 rồi 96 và nhịp mạch trở lại đáp ứng theo thuốc duy trì, chỉ số sinh tồn ổn định.
Ông Nguyễn Bá Viện, chồng bà Thuận kể: Do bà ấy bị ho hai ngày qua, người nhà mua thuốc GeuTamyxin về tiêm bắp có thử phản ứng trước. Vậy mà chỉ 10 phút sau bà ấy nằm thẳng cẳng, không thở, không phản ứng, xanh tái toàn thân, ai cũng bảo: Chết thật rồi, còn gì nữa đâu mà đưa đi viện. Nếu không có sự tận tình, kịp thời, và tay nghề cao của kíp trực thì vợ tôi đã không còn. Ơn cứu tử này trọn đời chúng tôi không bao giờ quên.
Trước đó, cô giáo Nguyễn Thị Loan xã Quỳnh Văn cũng nhập viện trong tình trạng đã chết lâm sàng do uống thuốc Cloroxit và được chính bác sỹ Bằng cứu sống. Gặp chúng tôi, cô Loan vẫn chưa hết bàng hoàng kể: Tôi chết thật rồi và chính bệnh viện đa khoa Quỳnh Lưu đã sinh tôi lần hai.
Trao đổi với chúng tôi, BS Nguyễn Hoài Nam, GĐ BVĐK Quỳnh Lưu cho Biết: Kể từ lần cứu sống anh Hồ sỹ Tùng xã Quỳnh Ngọc chết lâm sàng do uống thuốc cephalexin, BS chuyên khoa I Phan Bá Bằng đã làm hẳn một đề tài báo cáo khoa học về “Sốc phản vệ” để áp dụng trong toàn bệnh viện. Từ đó đến nay, các ca bị sốc phản vệ, chết lâm sàng như anh Đậu Viết Năm (Quỳnh Thạch) do uống thuốc đau dạ dày, bệnh nhân Vũ Thị Thuỳ (Quỳnh Hồng) do tiêm thuốc Lidocain… đều được cứu sống thành công theo phác đồ này. Sốc phản vệ ít khi tại thuốc hoặc tại người tiêm mà do chính cơ địa của người bệnh nên cần phải chữa trị theo hướng dẫn của bác sỹ. Tự mua thuốc về dùng là điều hết sức tối kỵ.
Nguyễn Duy - Nguyễn Đình