Cứu sống bệnh nhi hộc máu, suy đa tạng sốc sốt xuất huyết

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng suy đa tạng, hộc máu ra mũi miệng, sốc sốt xuất huyết khiến sinh mạng bệnh nhi “thập tử nhất sinh”. Sau lọc máu, điều trị tích cực, bác sĩ đã đưa bệnh nhi “từ cõi chết trở về”.

Đó là trường hợp của bệnh nhi V.T.T. (13 tuổi) đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM. Thông tin từ BS Trần Kim Hùng cho biết: ngày 2/5, bệnh nhi được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước chuyển đến trong tình trạng rất nặng. Khai thác bệnh sử từ gia đình ghi nhận, cách nhập viện 5 ngày, bé có biểu hiện sốt cao liên tục, khó hạ sốt, tiêu phân đen, đau bụng, lơ mơ phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu.

Cứu sống bệnh nhi hộc máu, suy đa tạng sốc sốt xuất huyết - 1

Bệnh nhi ở thời điểm phải lọc máu, điều trị tích cực

Sau khi thăm khám, xác định bệnh nhân trong tình trạng rất nặng, bác sĩ quyết định chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới. “Khi vào viện, tri giác bệnh nhi lơ mơ, được chẩn đoán suy gan, suy thận, suy hô hấp, nguy cơ tử vong rất cao. Khoảng 2 giờ sau nhập viện, bé bắt đầu xuất huyết qua đường mũi, miệng lượng nhiều. Với những trường hợp bệnh tương tự như ca này, hầu hết đều tử vong”.

Tuy nhiên “còn nước còn tát” các bác sĩ nhanh chóng huy động chế phẩm máu truyền bổ sung (khoảng 2,5 lít) kết hợp lọc máu, chống sốc, đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, chủ động kiểm soát nguy cơ nhiễm trùng để tránh bệnh diễn tiến nặng và các biến chứng nguy hiểm. Sau 1 lần lọc máu, chức năng gan và thận của bệnh nhi có dấu hiệu hồi phục, nỗ lực điều trị giúp tình trạng suy hô hấp từng bước cải thiện.

Ngày 14/5 bệnh nhi đã qua nguy kịch, cai được máy thở, tiếp xúc tốt, có thể xuất viện. Đây là ca sốt xuất huyết Dengue rất nặng may mắn được cứu sống. Để tránh những biến chứng nguy hiểm do sốt xuất huyết gây ra, BS Phan Tứ Quí, Trưởng khoa Cấp cứu Hồi sức Tích cực Chống độc, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới khuyến cáo cộng đồng: “Hiện đang vào mùa bệnh sốt xuất huyết, người dân nên chủ động các phương án diệt muỗi, diệt lăng quăng, ngủ mùng… để tránh bị muỗi đốt. Khi cơ thể có dấu hiệu sốt cao liên tục khó hạ sốt, có thể kèm theo các biểu hiện sốt phát ban, xuất huyết ngoài da, nặng hơn là chảy máu mũi, chảy máu chân răng, đau bụng, đi cầu phân đen… người bệnh phải nhanh chóng đến bệnh viện để được chẩn đoán, điều trị kịp thời”.

Cứu sống bệnh nhi hộc máu, suy đa tạng sốc sốt xuất huyết - 2

Nhờ nỗ lực của bác sĩ, bệnh nhi đã "từ cõi chết trở về"

BS Phan Tứ Quí cảnh báo, hiện nay cộng đồng đang có thói quen sử dụng thuốc hạ sốt mỗi khi sốt cao mà không cần chỉ định của bác sĩ. Lạm dụng thuốc hạ sốt với liều cao, liên tục sẽ góp phần làm tổn thương gan, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm trong quá trình điều trị. Cần đến gặp bác sĩ sớm khi có dấu hiệu bất thương về mặt sức khỏe, tuân thủ việc sử dụng thuốc theo chỉ định và tuân thủ phác đồ điều trị, chỉ định tái khám là việc bệnh nhân và thân nhân người bệnh cần tuân thủ để tránh nguy hiểm khi chẳng may mắc bệnh.

Trong năm 2018, tại TPHCM có khoảng 28.000 người nhập viện vì mắc sốt xuất huyết, trong đó 10 ca tử vong. Tình đến hết tháng 4/2019, toàn thành phố đã có tới 20.758 mắc bệnh với 3 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Quá trình di dân, đô thị hóa nhanh chóng cùng ảnh hưởng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường đang khiến sốt xuất huyết trở thành gánh nặng sức khỏe, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội.

Dự báo, khi thời tiết chuyển sang mùa mưa nếu không có giải pháp phòng bệnh hiệu quả, sốt xuất huyết sẽ diễn tiến khó lường. Để chủ động ngăn chặn sự nguy hiểm của sốt xuất huyết, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế, TPHCM kêu gọi cộng đồng tăng cường các biện pháp diệt muỗi, diệt lăng quăng tại chính nơi ở, nơi làm việc của mình.

Vân Sơn