Cứu sống bé sơ sinh thiếu gần 70% lượng máu cơ thể
(Dân trí) - Ngay sau khi chào đời, bé Nguyễn Trọng Anh Minh đã tái nhợt, ngưng thở và được chuyển ngay tới khoa Nhi (BV Bạch Mai) cấp cứu. Các bác sĩ phát hiện một ổ xuất huyết chiếm gần trọn bán cầu đại não phải ước khoảng 2/3 lượng máu cơ thể tụ tại đây.
Ngưng thở ngay sau sinh…
Ngay lập tức, cháu bé được thở máy cấp cứu. “Khả năng bé bị xuất huyết não cũng được nghĩ tới, nhưng khi xét nghiệm máu thấy lượng hồng cầu chỉ còn dưới 2 triệu khiến các bác sĩ vô cùng lo lắng bởi tình trạng thiếu máu cực kỳ nặng, không kịp thăm dò phải truyền máu cấp cứu ngay. Bởi tính ra, bé chỉ còn khoảng 1/3 lượng máu của cơ thể”, BS Dũng nói.
Kết quả xét nghiệm rối loạn đông máu cũng khiến các bác sĩ khoa xét nghiệm “sốc”, nghi ngờ kết quả xét nghiệm sai, phải tiến hành xét nghiệm lại bởi chỉ số đông máu chỉ được 30% trong khi chỉ số bình thường phải đạt 80%.
Xác định bé mất máu máu nhiều do xuất huyết não, trong khi xuất huyết não không thể tiến hành can thiệp bằng phẫu thuật hay hút, các bác sĩ tập trung duy trì máy thở tốt để giữ cho bé sơ sinh sống càng lâu càng tốt và cầm máu bằng thuốc. Bởi ổ máu tụ trong máu sẽ dần tiêu đi theo thời gian. Tuy nhiên việc duy trì ổn định thở máy cũng khó khăn bởi phổi em bé hoàn toàn bình thường. Nguyên nhân suy hô hấp là do xuất huyết não đè vào trung tâm thở. Vì thế, các bác sĩ đã phải tính toán rất kỹ liều an thần cho một bé sơ sinh xuất huyết não, phải đảm bảo giữ em bé ở trạng thái không tỉnh lắm, không mê hẳn thì máy thở mới có hiệu quả. Nếu không dễ xảy ra hiện tượng chống máy thở, tức là dùng máy nhưng ôxy không vào được cơ thể.
Theo TS Dũng, xuất huyêt não ở trẻ sơ sinh thể nhẹ gặp khá nhiều nhưng chưa bao giờ gặp ca xuất huyết não đặc biệt đến vậy. Bé xuất huyết não ồ ạt, nhiều đến 2/3 lượng máu cơ thể và xuất huyết rất sớm, chỉ khoảng 30 phút sau sinh nên mọi biện pháp phòng ngừa là không thể. Em bé cũng đã được truyền máu hai lần, mỗi lần 50ml máu trong khi cơ thể một trẻ sơ sinh bình thường chỉ có khoảng 120ml máu.
Đến nay, ụ máu tụ đã tiêu dần và em bé tỉnh táo, bú tốt, chân tay cử động tốt và sẽ được xuất viện trong vài ngày tới. Tuy nhiên bé sẽ vẫn phải tái khám theo lịch để xem máu tiêu đi như thế nào, theo dõi biến chứng sau này, nhưng trước mắt em bé hoàn toàn tốt.
Không thể coi thường nôn trớ ở trẻ sơ sinh
TS Dũng cho biết thêm, xuất huyết não là một nguy cơ với trẻ sơ sinh. Tuy nhiên xuất huyết não có hai thể, một thể nhẹ không có triệu chứng và thể có triệu chứng.
Ở thể nhẹ, trẻ hầu như không có bất cứ triệu chứng gì. Một nghiên cứu ở Mỹ kiểm tra ngẫu nhiên tình trạng xuất huyết não ở trẻ sơ sinh đủ tháng thì phát hiện từ 2 - 5/10.000 trẻ sinh trẻ xuất huyết não không có triệu chứng. Khi đó, bé hoàn toàn bình thường nhưng siêu âm não có một vài chấm xuất huyết. Những trường hợp này thì không nguy hiểm.
Thể xuất huyết não thứ hai là có triệu chứng. Ở thể nhẹ, trẻ chỉ hơi nôn trớ, hơi co giật rất nhanh rồi hết. Nặng hơn thì co giật nhiều hơn nhưng chưa ảnh hưởng hô hấp. Nặng nữa là co giật, hôn mê, suy hô hấp, ngừng thở.
Vì thế, dấu hiệu nôn trớ ở trẻ sơ sinh và trẻ em rất quan trọng, không thể coi thường nôn trớ ở trẻ. Bởi giữa nôn trớ sinh lý ở trẻ sơ sinh và nôn trớ do xuất huyết não không có gì khác biệt. Vì thế, nếu thấy trẻ sơ sinh nôn trớ, hãy cho bé đi khám. Bởi nếu không phát hiện nguy cơ gì, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn bà mẹ xử lý như thế nào để không bị sặc vào đường thở (có trẻ sặc cái tử vong ngay).
“Trong thực tế khám chữa bệnh, tôi đã phát hiện rất nhiều trẻ nôn trớ mà gia đình cho rằng nôn trớ sinh lý nhưng lại phát hiện bất thường. Đó có thể là nôn trớ do nhiễm trùng, xuất huyết não, viêm phổi. Nôn là triệu chứng nhiều bệnh, trẻ con nôn không chỉ biểu hiện ở đường tiêu hóa mà nôn là biểu hiện của bệnh lý toàn thân. Vì thế, cha mẹ không nên chủ quan với hiện tượng nôn trớ ở trẻ em”, TS Dũng cảnh báo.
Bài và ảnh: Hồng Hải