Cuồng dâm dưới góc nhìn bệnh lý
Thời gian qua thi thoảng lại rộ lên những thông tin nữ cưỡng hiếp nam, có ngày tới... 30 lần, khiến dư luận xôn xao. Về góc độ khoa học y học, có hay không hiện tượng này? Để lý giải cặn kẽ vấn đề này, chúng tôi giới thiệu bài viết của PGS.TS. Bùi Quang Huy.
Chứng cuồng dâm hay gặp ở bệnh nhân rối loạn cảm xúc lưỡng cực
Chứng cuồng dâm (hypersexuality) là tình trạng ham muốn tình dục cao độ đến mức được coi là không bình thường và nghiêm trọng về mặt lâm sàng.
Về lý thuyết, nếu có người quan hệ tình dục tần suất như vậy có thể khẳng định đó là bệnh cuồng dâm. Người mắc chứng cuồng dâm có ham muốn cao độ quan hệ tình dục với người khác và họ tìm mọi cách (kể cả cưỡng hiếp) để thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình.
Sau khi được quan hệ tình dục, ham muốn của họ chỉ tạm lắng dịu trong một thời gian ngắn (từ vài chục phút đến vài giờ), sau đó họ lại có nhu cầu tiếp tục được quan hệ tình dục ngày càng mãnh liệt. Vì vậy có những trường hợp bệnh nhân nam đã tử vong vì kiệt sức do quan hệ tình dục quá nhiều lần trong ngày.
Chứng cuồng dâm (hypersexuality) là tình trạng ham muốn tình dục cao độ đến mức được coi là không bình thường và nghiêm trọng về mặt lâm sàng.
Trong bảng phân loại bệnh tâm thần của Tổ chức Y tế Thế giới lần thứ 10 (ICD 10), cuồng dâm nằm ở mục F52.7.
Chứng cuồng dâm rất hay gặp trong giai đoạn hưng cảm của rối loạn cảm xúc lưỡng cực và đôi khi gặp cả ở giai đoạn trầm cảm của bệnh này.
Trong giai đoạn hưng cảm của rối loạn cảm xúc lưỡng cực, dù là hưng cảm mức độ nhẹ, vừa hay nặng, bệnh nhân có tăng ham muốn tình dục và hoạt động tình dục rõ ràng.
Đàn ông thường tìm cách thỏa mãn tình dục với gái bán dâm (vì vợ hoặc bạn gái của họ cũng sợ nhu cầu quá cao của bệnh nhân), các bệnh nhân nữ thì tỏ ra rất dễ dãi và chủ động trong việc săn tìm bạn tình để thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình.
Có bệnh nhân đã cho biết, trong một đêm, cô ta quan hệ với hơn chục đàn ông lạ vừa gặp ở quán bar, vũ trường.
Các bệnh nhân này thường được điều trị nội trú (để tránh bị lạm dụng) bằng thuốc an thần cổ điển như aminazin và haloperidol.
Với các trường hợp bệnh nhân rối loạn bản năng tình dục quá nặng nề, bệnh nhân phải được điều trị bằng hoóc-môn sinh dục đối lập.
Chứng cuồng dâm còn gặp trong một số bệnh có tổn thương thực tổn ở não như bệnh Alzheimer, liệt tiến triển (giang mai thần kinh), lạm dụng thuốc chữa bệnh Parkinson, ma túy nhóm kích thần nhóm amphetamin (ecstasy, ma túy đá).
Những người lạm dụng và nghiện ma túy kích thần như cần sa, amphetamin và các dẫn xuất (meth-amphetamin, MDMA) - gọi chung là ma túy “đá”, có những cơn hưng cảm do ma túy gây ra.
Bệnh nhân có tình trạng hưng phấn mạnh mẽ cả về cảm xúc, ngôn ngữ và hành vi. Họ tăng nhu cầu tình dục lên gấp nhiều lần và có thể quan hệ tình dục tăng cả về thời gian và số lần trong ngày. Vì thế, nhiều người cho đó chỉ là thuốc kích dục chứ không phải là ma túy.
Tuy nhiên, ma túy đá (đặc biệt là ecstasy) nguy hiểm hơn heroin 10 lần do khó cai hơn, dễ tử vong vì sốc thuốc (khi tiêm tĩnh mạch) và kiệt sức. Cai nghiện ma túy đá cần phải tiến hành tại Khoa Tâm thần.
Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc an thần thế hệ mới (olanzapin, quetiapin) kết hợp thuốc chống trầm cảm SSRI (sertralin, paroxetin). Đa số bệnh nhân nghiện ma túy đá có rối loạn tâm thần rất trầm trọng mà dân gian gọi là “ngáo đá”. Các bệnh nhân này thường phải điều trị bằng sốc điện mới cho kết quả vững chắc.
Như trên đã nói, chứng cuồng dâm còn gặp ở các bệnh nhân Alzheimer, Parkinson và liệt tiến triển. Ở các bệnh nhân này, cuồng dâm thường gắn liền với mất trí, cuồng dâm được coi là hiện tượng giải phóng bản năng khi thần kinh cấp cao không còn đủ khả năng kiểm soát các bản năng tình dục.
Hiện nay chưa có giải pháp điều trị hiệu quả cho các bệnh nhân này. Bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm SSRI để giảm bớt ham muốn tình dục của họ (fluoxetin, sertralin).
Các ước tính về tỷ lệ người mắc chứng cuồng dâm trong cộng đồng là vào khoảng 3 - 6% dân số. Nguyên nhân của chứng cuồng dâm đến nay chưa rõ ràng, nhưng thường gắn với các tổn thương ở não gây ra mất trí hoặc do rối loạn chất dẫn truyền thần kinh và cả tâm lý ham muốn quá mức gần gũi cá nhân khác.
Chứng cuồng dâm thường gây ra hành vi phạm tội là cưỡng hiếp (hiếp dâm). Hành vi này chỉ có ở nam giới mà thôi do cơ chế quan hệ tình dục đặc thù. Nữ giới có thể “bị” quan hệ tình dục khi họ không muốn, nhưng nam giới khi không muốn quan hệ tình dục, dương vật sẽ không cương lên được, vì thế nữ không thể cưỡng dâm nam được. Do đó có thể khẳng định các tin đồn về nữ cưỡng dâm nam là nhảm nhí.
Theo PGS.TS. Bùi Quang Huy
Sức khỏe đời sống