Cuối năm 2011, Việt Nam có ngân hàng máu điện tử
(Dân trí) - Nhằm chia sẻ khó khăn với những người bệnh cần truyền máu, TƯ Hội chữ thập đỏ Việt Nam thành lập “Ngân hàng máu điện tử Việt Nam” với mục tiêu cung cấp 37.500 đơn vị máu vào năm 2012 và 160.000 đơn vị máu vào năm 2015 cho người bệnh.
Chiều 29/3, ThS.BS Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Trung tâm Máu Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, Hội đã hoàn thành đề án thành lập Ngân hàng máu điện tử (VEBB). VEBB là Trung tâm dữ liệu về người hiến máu dự bị (những người hiến máu khỏe mạnh, an toàn, sẵn sàng hiến máu bất cứ lúc nào khi có yêu cầu) có kết nối với Cổng thông tin điện tử cho phép người dùng truy cập (bằng điện thoại di động hoặc máy vi tính) ở bất cứ vị trí nào có sóng điện thoại hoặc kết nối internet, bất cứ khi nào để mời gọi người hiến máu khi có người bệnh cần truyền máu.
Ngân hàng máu điện tử ra đời giúp giải quyết tình trạng khán hiếm máu trong cấp cứu (ảnh: T.H)
EBB được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới, hỗ trợ có hiệu quả khi người bệnh cần truyền máu trong khi ngân hàng máu không có đủ máu, chế phẩm máu dự trữ. VEBB đặc biệt có hiệu quả ở những quốc gia, khu vực xảy ra tình trạng thiếu máu trầm trọng (như ở Việt Nam) nơi mà các bệnh viện thường xuyên yêu cầu người nhà hiến máu hoặc có dịch sốt xuất huyết hay các tai nạn cần truyền máu với số lượng lớn.
Trước thực trạng các cơ sở truyền máu ở nước ta chỉ đạt 39% nhu cầu người bệnh, tình trạng thiếu máu xảy ra thường xuyên và đe dọa nghiệm trọng tới tính mạng của hàng trăm ngàn người, BS. Thuận chia sẻ, “VEBB ra đời với mong muốn đem lại sự sống, sức khỏe cho hàng trăm ngàn người bệnh”.
Tính riêng năm 2010, cả nước đã thu được 675.438 đơn vị máu, trong đó 84,2% từ người hiến máu tình nguyện. Tuy vậy, lượng máu trên cũng chỉ đáp ứng 39% nhu cầu, tỷ lệ dân số hiến máu chỉ đạt 0,78% (trong khi nhu cầu tối thiểu là 2% dân số hiến máu) nên tình trạng thiếu máu phục vụ cấp cứu, điều trị cho người bệnh vẫn xảy ra trầm trọng ở hầu hết các địa phương trên cả nước đặc biệt là ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (nơi có nhiều người bệnh được chuyển về tuyến TƯ điều trị).
Tình trạng các bệnh viện yêu cầu người nhà hiến máu khi có người thân cần truyền máu diễn ra phổ biến ở các địa phương trên cả nước do kho máu dự trữ không đủ. Điều này gây khó khăn rất lớn cho người bệnh đặc biệt là các bệnh nhân chuyển từ huyện lên tuyến tỉnh hoặc từ các tỉnh về tuyến Trung ương. Nhiều trường hợp đã không thể huy động được người nhà hoặc phải “mua người nhà” từ những người bán máu nên đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng người bệnh và an toàn truyền máu.
Nhân đây, ThS. Nguyễn Đức Thuận kêu gọi: “Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và các cá nhân quan tâm, ủng hộ để Ngân hàng máu điện tử Việt Nam được triển khai và hoạt động có hiệu quả vì sự sống, sức khỏe của người bệnh cần truyền máu”.
T.H