Cuộc tranh luận thú vị giữa “bầu sữa” và “bình sữa”

(Dân trí) - Trước một rừng truyền thông và cả những chiêu trò khuyến mại hấp dẫn, nhiều bà mẹ “loạn” vì không biết sữa nào thực tốt? Cuộc trò chuyện giữa 2 bà mẹ dưới đây sẽ giúp bạn có được câu trả lời?

Cuộc tranh luận thú vị giữa “bầu sữa” và “bình sữa” - 1
 
Cùng tới công viên vào một ngày nắng đẹp, 2 người phụ nữ rạng rỡ trong niềm hạnh phúc bên những cô cậu bé đáng yêu như những thiên thần. Sau khi chọn được vị trí nghỉ ngơi ưng ý, 2 người mẹ đã cùng nhau chia sẻ bao điều nhưng nhiều nhất vẫn là kinh nghiệm nuôi con. Và thật tình cờ, tôi đã được nghe cuộc đối thoại này:

 

Bà mẹ “sữa bình”: Nhóc nhà chị được bao nhiêu cân rồi? Trộm vía, công chúa nhà em được 6,5 ki-lô rồi đấy.

 

Bà mẹ “bầu sữa”: Cu tí mình được 5 cân hơn thôi.

 

Bà mẹ “bình sữa”: Vậy hay chị chuyển qua loại sữa bột… em đang dùng đi. Nhóc nhà em lên cân vậy là nhờ sữa này đó. Mà lại còn được rất nhiều khuyến mãi nữa chị, toàn đồ chơi đẹp và trí tuệ thôi, thích lắm.

 

Bà mẹ “bầu sữa”: Cân nặng của nhóc nhà chị vậy nhưng là đúng với chuẩn tăng trưởng của trẻ đấy. Chị cũng mua đồ chơi cho con đây này.

 

Bà mẹ “bình sữa”: Đẹp và xịn quá! Chắc giá mắc phải không chị? Chị chuyển qua sữa như em nè, đồ chơi miễn phí mà con lại tăng cân tốt.

 

Bà mẹ “bầu sữa”: Uh, đồ chơi chất lượng nên giá không thấp rồi nhưng mua sữa như em cũng đâu có rẻ. Chị chia sẻ thật lòng, em đừng giận nhé! Sữa bột tốt đến mấy vẫn chỉ là đồ hộp thôi.

 

Em để ý không, từ trẻ em cho tới người già, ai ai cũng chuộng sữa tươi nguyên chất. Thế nên, nhiều nhà kinh doanh mới phải nhấn bằng những từ rất mạnh như 100%, “thật sự” tự nhiên… trong các quảng cáo sữa của họ. Nhiều thương hiệu khác thấy được nhu cầu này, chẳng đã “hô biến” sữa hoàn nguyên thành sữa tươi nguyên chất… khiến người tiêu dùng bức xúc, tẩy chay đấy thôi.

 

Rồi nữa, anh xã nhà chị ở Nga về bảo sữa mẹ ở đó được ưu tiên lắm bởi ngay cả những trường hợp đặc biệt không thể nuôi con bằng sữa mẹ, bác sĩ sẽ chỉ định một loại sữa tươi dành cho trẻ sơ sinh được mang tới hằng ngày và dùng đến khi nào mẹ có thể cho bú lại, chứ không phải là bất kỳ loại sữa bột công thức vượt trội nào đâu.

 

Một điểm nữa, bản thân chúng ta đều rất thích ăn đồ tươi ngon, đồ hộp, đồ đông lạnh chỉ là hãn hữu. Đó là vì nó không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn thực sự ngon nữa. Vậy thì sao mình lại cho những thiên thần non nớt như thế này phải ăn sữa hộp trong khi mình có sữa tươi xịn 100%?

 

Bà mẹ “bình sữa”: Chị nói thật đúng nhưng sữa mẹ sao đủ dinh dưỡng bằng sữa bình?  Sữa bột được bổ sung đầy đủ, thậm chí còn được tăng cường gấp bao nhiêu lần những dưỡng chất thiết yếu giúp con mình lên cân tốt, thông minh, khỏe mạnh. Em thấy bảo mình ăn đồ tươi thật đấy nhưng quan trọng còn là hấp thụ thế nào và liệu có thể ăn đủ ngần đó lượng thức ăn để cơ thể tiết ra đúng lượng vitamin, khoáng chất mình cần không? Ví như phải ăn cả cân cá hồi mới cung cấp đủ nhu cầu DHA của cơ thể… Mình không ăn được vậy thì là sữa của mình sẽ thiếu chất đó rồi…

 

Bà mẹ “bầu sữa”: Em à, đúng là hàm lượng các vi chất trong thực phẩm không nhiều nhưng những thực phẩm có vi chất đó lại rất phong phú. Như DHA chẳng hạn, không phải riêng các hồi đâu mà trứng, thịt gà, tôm hấp, rau lá xanh đậm… đều rất phong phú chất này. Đây cũng là những thực phẩm rất giàu các vi chất quý giá khác như vitamin A, D cũng như những axit amin quý giá….

 

Mỗi ngày, mình ăn đủ 4 nhóm thực phẩm là đường - tinh bột (gạo, bắp, nếp…), đạm (thịt, cá, trứng, sữa), chất béo (các chất béo không no), vitamin và muối khoáng (rau, củ quả) với cách chế biến hợp vệ sinh, chia làm 6 - 8 bữa trong ngày thì khi vắt trọn bầu bú mẹ, sữa có thể đặc sánh với lượng dinh dưỡng nổi lên có thể chiếm tới một nửa cốc đấy.

 

Bà mẹ “bình sữa”: Lúc mới sinh, em cũng gắng đấy chứ nhưng thấy cân nặng nhúc nhích tăng, sữa cảm giác về không nhiều, không đủ cho bé bú, bé cũng nhanh đói nữa vì sữa em loảng, trong veo í chị ạ. Cả nhà sợ cháu không tăng cân, em lo quá nên chuyển qua sữa bình. Dùng sữa này thấy ổn hơn hẳn, bé no lâu hơn, em cũng không phải ăn quá nhiều nữa…

 
Cuộc tranh luận thú vị giữa “bầu sữa” và “bình sữa” - 2

Hãy nhìn ánh mắt của 2 em bé này, bạn sẽ hiểu sợi dây kết nối tình cảm mẹ con bắt đầu từ đâu...

 

Bà mẹ “bầu sữa”: Mới sinh sữa sẽ về chưa nhiều là chuyện bình thường mà. Chị cũng vậy thôi nhưng nếu em tin tưởng, quyết tâm nuôi con bằng sữa mẹ, nguồn sữa sẽ được sản sinh nhanh chóng. Bởi tinh thần rất quan trọng nhé, chỉ huy tất cả đấy.

 

Em có muốn thì hooc-môn tăng sữa mới tiết ra nhiều, rồi em sẽ chăm cho con bú nhiều hơn, em cũng sẽ học được rằng phải cho con bú hết một bên bầu vú rồi mới chuyển sang bên kia bởi sữa càng cuối là sữa càng đặc, càng chất lượng và khi làm như vậy, sữa tốt sẽ càng được sản sinh nhiều. Rồi em sẽ tích cực ăn uống hơn để con có sữa tốt nhất. Những lúc có chút lo lắng, sữa về chưa được nhiều, em sẽ biết là phải uống một cốc sữa nóng để tăng tiết sữa nhanh, rồi nghỉ ngơi, chia sẻ để hết lo, tinh thần phấn chấn trở lại… sữa sẽ lại về dồi dào, vắt đi chẳng hết ý chứ…

 

Còn vụ tăng cân của mẹ, em cũng đừng lo lắng. Em cứ cho con bú mẹ 100% và thực hiện đúng cách như chị nói, trọng lượng của em sẽ không tăng nhiều đâu. Mà đến khi đi làm rồi cai sữa, đa phần chúng ta đều giảm cân đó em. Nếu cơ địa mình dễ tăng cân thì tập thêm thể dục và nhờ bác sĩ tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng nữa.

 

Bà mẹ “bình sữa”: Nghe chị nói thú vị thật đấy nhưng em thấy nuôi sữa bột vẫn nhàn hơn vì không phải nấu nướng cho mẹ; mẹ cũng sạch sẽ, giữ phom tốt hơn và quan trọng là bé lại tăng cân nhiều hơn, nên em thấy yên tâm hơn.

 

Bà mẹ “bầu sữa”: Ăn uống của mẹ dù cho con bú hay không vẫn phải đảm bảo vì thời kỳ nuôi con rất vất vả, mình ốm thì ai chăm con, chưa kể còn có thể lây bệnh cho con nữa…

 

Đúng là cho bú bình, mẹ sẽ sạch sẽ, gọn gàng hơn nhưng em sẽ phải sắm nhiều bình, nhiều núm vú rồi liên tục phải vệ sinh dụng cụ, đồ dùng mỗi khi cho bé ăn bằng cách luộc sôi hay sử dụng máy tiệt trùng… Hộp sữa mở ra mở vào nhiều, hạn sử dụng ngắn... cũng gây ra các vấn đề không nhỏ đâu.

 

Đêm đêm, khi bé đói, nếu ủ sữa sẵn thì không yên tâm vì sợ sữa lên men mà dậy vài lần bật đèn, pha sữa… thì cũng đâu gọi là nhàn. Còn như chị, chỉ cần kéo áo, vệ sinh quầng và núm vú là có thể cho con bú bất kỳ đâu rồi…

 

Còn tăng cân, quan trọng là con phát triển theo đúng biểu đồ tăng trưởng và khỏe mạnh. À nữa, tăng cân chỉ là 1 tiêu chí thôi nhé, cái chính là con khỏe mạnh ít bệnh tật. Em chắc cũng đọc nhiều rồi, các nghiên cứu đều chứng minh rằng sữa mẹ rất nhiều kháng thể, giúp hỗ trợ hệ miễn dịch của con đấy! Những kháng thể sống từ cơ thể mẹ chắc chắn phải xịn hơn gấp nhiều lần những chất có trong đồ hộp chứ, đúng không em?
 

 

Cuộc tranh luận thú vị giữa “bầu sữa” và “bình sữa” - 3


Cuộc trò chuyện đột ngột dừng lại khi 2 em bé cùng oe oe thức giấc. Hai bà mẹ chăm chú nựng nịu và ôm con vào lòng. Trong khi bà mẹ “bầu sữa” vừa nựng nịu vừa nhẹ nhàng vén áo để cái miệng tròn vo ôm trọn lấy bầu vú thì bà mẹ “sữa bình” gọi người giúp việc đứng gần đó lại, lấy ra túi ủ sữa, cầm bình sữa rỏ thử sữa vào cổ tay xem còn quá nóng không. Sau khi lắc đi lắc lại một chút cho sữa giảm bớt nhiệt độ trong tiếng nựng nịu không ngớt của bà mẹ “sữa bình”, khuôn miệng xinh xắn cũng được ôm trọn lấy núm vú.

 

Ngắm 2 bà mẹ trẻ say sưa cho con ăn, tôi chợ nhớ lại cách đây 7 năm, khi con trai tôi 1,5 tuổi. Những ngày đó, trưa và chiều nào tôi cũng thu xếp để về với con thật sớm bởi tôi không muốn nhóc tì chờ mẹ không ngủ và yêu lắm cảm giác háo hức, vồ vập của cậu con trai nhỏ tuổi, chẳng kịp để mẹ rửa tay, thay quần áo, cứ vội nhào vào mẹ. Mẹ chỉ kịp ngồi xuống, vệ sinh nhanh bầu vú, là cái miệng nhỏ xinh đã ôm trọn lấy, mỗi tay ôm 1 bầu ngực mẹ và rồi bàn chân xinh xinh bắt đầu đập đập theo nhịp nhạc, mắt hấp háy nhìn mẹ, nhoẻn cười mà không rời vú mẹ. Phải đến câu chuyện nào thú vị lắm, cu cậu mới nhả ra 1 chút, cười toe nịnh bợ rồi lại vồ vập vào bầu sữa ngay.

 

Mong sao, 2 người mẹ trẻ đang hạnh phúc ngập tràn bên những đứa con đáng yêu kia cũng sẽ có được những giây phút thăng hoa, hạnh phúc nhất trong cuộc đời đó.

 

Thu Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm