Dùng sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ: Mất tiền, thêm nguy cơ!

(Dân trí) - Thu nhập đứng yên trong khi các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ tăng mạnh. Vậy là “Chi phí cho các sản phẩm này chiếm 53-79% thu nhập bình quân tại Việt Nam. Kéo theo đó là bao hệ lụy sức khỏe”, theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới.

 

Dùng sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ: Mất tiền, thêm nguy cơ! - 1

Không được bú mẹ, cả mẹ và bé đều sẽ chịu nhiều thiệt thòi (Ảnh minh họa)
 

Đi ngược với xu hướng thế giới?

 

Theo những điều tra mới đây nhất của UNICEF, cứ 6 bà mẹ chỉ có 1 bà mẹ (19,6%) là thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, giảm 1 nửa so với cách đây 10 năm.
 
Số liệu gần đây nhất theo cuộc điều tra quốc gia cho thấy tỉ lệ này có thể rất thấp, tới mức trong 10 bà mẹ mới có 1 bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ và có sự khác biệt lớn giữa các vùng. Từ tỉ lệ này đã tạo ra một khoảng cách rất lớn với mục tiêu 50% trẻ sơ sinh được bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đến năm 2015 của Chính phủ. 

 

Trong khi đó, tỉ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đã tăng lên ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Ví  dụ như Cam-pu-chia, Pa-kit-stan và Sri Lanka đã tăng tỉ lệ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ thêm 20% trong vòng 10 năm qua. Tỉ lệ trung bình ở châu Á hiện tại là 42%.

 

Lãng phí gần 275 triệu đô mỗi năm

 

Giá trị ước tính của lượng sữa mà các bà mẹ Việt Nam có thể sản xuất ra đạt 549 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, một nửa giá trị đó đã bị lãng phí do tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp ở Việt Nam. Trong khi đó, tại Australia, sữa mẹ mang lại 13-1,6 tỉ đô la, 0,5% GDP, 0,6% tổng lương thực tại đất nước này.
 
Tại gia đình, nếu dùng các sản phẩm thay thế sữa mẹ, trung bình sẽ tiêu tốn 800.000 - 1.200.000/tháng cho các sản phẩm này, một khoản tiền không nhỏ so với thu nhập trung bình hiện nay (khoảng 20 triệu đồng/năm). 

 

Hậu quả là kéo theo vô vàn hệ lụy khiến các chi phí y tế chung của cả nước nâng lên. Ước tính, 10 triệu USD mỗi năm chi vào việc giải quyết các bệnh tật (các bệnh tiêu chảy, các bệnh hô hấp cấp tính và các bệnh mãn tính) do chế độ ăn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nghèo nàn gây ra.

 

Thêm nguy cơ bệnh tật

 

Không chỉ tổn thất về kinh tế, trẻ sử dụng nhiều các sản phẩm thay thế sữa mẹ còn  làm gia tăng các nguy cơ bệnh tật đối với trẻ và sức khỏe đối với mẹ.

 

Cụ thể, ở trẻ em, việc gia tăng các sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ sẽ làm gia tăng tỉ lệ tử vong trẻ em và sơ sinh; tỉ lệ bệnh tật và tử vong do tiêu chảy và viêm phổi; tỉ lệ viêm tai, rối loạn dạ dày đường ruột, bệnh về da và hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh; tỉ lệ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường, các loại ung thư và béo phì về sau này. Đặc biệt, điểm phát triển nhận thức và các kiểm tra trí thông minh thấp hơn.

 

Một khảo sát quốc gia cho thấy hậu quả của tình trạng không cho con bú sớm, không cho con bú hoàn toàn và không tiếp tục cho con bú lâu dài cũng như thiếu chế độ ăn bổ sung phù hợp đã dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe đối với trẻ em. 1/3 trẻ em Việt Nam bị thấp còi và cứ trong 5 trẻ lại có 1 trẻ bị thiếu cân.

 

Còn đối với mẹ, nguy cơ ung thư tăng lên, phục hồi sau sinh chậm hơn và ít giảm cân hơn sau sinh hơn và đặc biệt là có thể mang thai sớm hơn vì cho con bú mẹ hoàn toàn là biện pháp phòng tránh thai tự nhiên rất hiệu quả. 

 
Trong khi đó, nhiều nghiên cứu cho thấy: nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và đến 24 tháng tuổi là miễn phí, an toàn và là yếu tố quan trọng nhất đối với sự sống còn của trẻ, giúp ngăn chặn tới 15% các ca tử vong dưới 5 tuổi ở các nước đang phát triển.
 
Thu Phương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm