Cuộc gọi đặc biệt cứu mạng bệnh nhân ở TPHCM hít sặc, ngưng thở khi đang ăn
(Dân trí) - Trong lúc ăn, cụ ông đột nhiên hít sặc, tím tái bất tỉnh. Dù người nhà phát hiện và tìm cách móc họng nhưng nạn nhân vẫn ngưng thở sau đó.
Ngày 8/1, đại diện Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM cho biết, vừa qua, điều phối viên tổng đài 115 của đơn vị đã tiếp nhận, điều phối và kịp thời hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại cho một nạn nhân bị sặc thức ăn.
Theo đó, vào trưa 6/1, tổng đài 115 tiếp nhận một cuộc gọi cầu cứu cho trường hợp cụ ông 85 tuổi (ngụ quận 6, TPHCM). Theo lời kể từ gia đình, trước đó 15 phút, nạn nhân đang ăn thì đột nhiên sặc, khó thở và tím tái, bất tỉnh.
Phát hiện sự việc, người nhà liền móc họng cho nạn nhân nhưng không hiệu quả. Nạn nhân ngưng thở sau đó.
Ngay khi tiếp nhận cuộc gọi, điều phối viên tổng đài 115 đã hướng dẫn gia đình ép ngực cho bệnh nhân, đồng thời nhanh chóng điều xe cấp cứu đến hiện trường. Nhờ được sơ cứu kịp thời, khi kíp cấp cứu đến nạn nhân đã tự thở được, mạch rõ, chi ấm và được chuyển vào Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.
Dị vật đường thở là thuật ngữ chỉ vật lạ rơi vào và cản trở đường hô hấp. Tắc nghẽn đường thở có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng do thiếu hụt oxy, đặc biệt là ảnh hưởng đến não bộ.
Ước tính mỗi năm, có khoảng 3.000 bệnh nhân tử vong vì những biến chứng của dị vật đường thở, tỷ lệ đặc biệt cao ở trẻ em 1-6 tuổi. Trong trường hợp dị vật gây tắc đường thở, vai trò sơ cứu của những người xung quanh khi phát hiện nạn nhân cực kỳ quan trọng.
Việc sơ cứu có thể là yếu tố quyết định giữa sự sống và cái chết, bởi từng giây, từng phút nạn nhân ngưng thở có thể gây tổn thương não nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
Theo Trung tâm Cấp cứu 115 TPHCM, việc tăng cường kiến thức về sơ cứu trong cộng đồng không chỉ giúp giảm tỷ lệ tử vong cho nạn nhân mà còn là nền tảng để mỗi người có thể chủ động trong việc ứng phó với những tình huống khẩn cấp đáng tiếc.
Cụ thể, nếu người xung quanh được trang bị kiến thức cơ bản về sơ cứu có thể nhanh chóng cứu sống nạn nhân.
Bên cạnh đó, cần gọi ngay cấp cứu 115, trong trường hợp không biết cách sơ cứu, cần thực hiện theo các hướng dẫn sơ cứu từ bộ phận tổng đài (như cấp cứu dị vật đường thở, kỹ thuật ép tim…) để có thể giúp duy trì sự sống cho nạn nhân cho đến khi đội cấp cứu đến.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM, bộ phận tổng đài của Trung tâm có vai trò tiếp nhận thông tin và điều phối kíp cấp cứu từ hệ thống trạm cấp cứu 115 trải đều trên toàn thành phố.
Bên cạnh đó, điều phối viên còn có nhiệm vụ hướng dẫn người gọi sơ cứu cho nạn nhân trong lúc chờ xe cấp cứu đến.
"Việc hướng dẫn sơ cứu qua điện thoại biến người gọi điện thành người sơ cứu ban đầu, trực tiếp thực hiện các kỹ thuật sơ cứu đúng, góp phần cứu sống nạn nhân", phía Trung tâm cấp cứu 115 TPHCM chia sẻ.