Cuộc chiến khốc liệt giữa hệ miễn dịch và virus HIV: Vì sao con người lại thua cuộc?
(Dân trí) - Khi bị virus HIV xâm nhiễm, cơ thể không hề “chờ chết” như chúng ta vẫn nghĩ, thay vào đó có cả một cuộc chiến rất khốc liệt giữa hệ miễn dịch và HIV. Thậm chí, ở giai đoạn đầu của cuộc chiến trường kì này có lúc chúng ta gần như đã dành phần thắng.
Khi 1 virus xâm nhập vào bên trong cơ thể, chúng sẽ phải chạm trán với một hệ thống phòng thủ hết sức kiên cố và nhanh nhạy mà hệ miễn dịch đã thiết lập. Trước hết tế bào bạch huyết sẽ gần như ngay lập tức cảm nhận sự xâm nhập và đáp ứng bằng cách tiết ra các protein kháng virus, để tấn công tế bào đã bị virus xâm nhiễm, cũng như huy động các lớp phòng thủ tiếp theo.
Thông thường, đợt tấn công này là đủ để dập tắt các cuộc xâm lăng. Tuy nhiên, có một loại virus lại vượt qua giới hạn của hệ miễn dịch, loại virus này mang tên: HIV. Sự láu cá của HIV chính là tế bào mà nó chọn để xâm nhiễm đầu tiên khi vào cơ thể lại là một tế bào miễn dịch, tế bào “T hỗ trợ”. Quá trình này diễn ra như sau:
Trước hết virus sẽ bám lên tế bào T hỗ trợ và xâm nhập vào bên trong. Một khi đã vượt qua màng tế bào, HIV sẽ di chuyển đến phần nhân. Ở đây, enzyme HIV sẽ tiến hành phiên mã ngược để từ ARN (mạch đơn) tổng hợp nên ADN (mạch kép). ADN vừa được tạo thành sẽ chèn vào bộ gen của chính tế bào chủ. Do đó, khi tế bào tiến hành tổng hợp protein thông qua vật chất di truyền (dịch mã), nó sẽ vô tình tổng hợp luôn cả protein của HIV. Bên cạnh đó, các phiên bản ADN của virus cũng được nhân lên cùng với sự nhân lên của ADN tế bào. Nhờ quá trình này, các bản sao mới của HIV được tạo ra, rời khỏi tế bào chủ để xâm nhập các tế bào khác và lặp lại quá trình này.
Bên trong các tế bào bị nhiễm virus, các protein kháng virus, được gọi là nhân tố đối kháng, vẫn cần mẫn làm việc để ngăn chặn sự sản sinh của virus mới, trong khi một vài nhân tố đối kháng khác sẽ nhận nhiệm vụ ngăn virus vừa được tạo thành thoát ra khỏi tế bào chủ. Bên ngoài tế bào bị xâm nhiễm, một loại tế bào bạch huyết có tên là “tế bào B” sẽ sản sinh các kháng thể có khả năng bám lên bề mặt virus HIV và ngăn chúng xâm nhiễm vào các tế bào T hỗ trợ đang sạch bệnh.
Lực lượng tấn công chủ lực của hệ miễn dịch chính là các tế bào “T giết” và tế bào “giết tự nhiên” với năng lực tìm diệt các tế bào đã bị nhiễm virus. Những tế bào này tiết ra protein perforin, loại protein có khả năng đâm xuyên qua màng tế bào, từ đó cho phép các enzyme kích hoạt sự tự hủy tự hủy được bơm vào.
Trong giai đoạn đầu, với sự phối tấn công của các lực lượng của hệ miễn dịch, lượng HIV trong cơ thể sẽ giảm xuống đáng kể. Tuy nhiên, HIV sẽ không thể mang đến “căn bệnh thế kỷ” nếu khả năng của chúng chỉ có vậy. Lực lượng virus cũng sẽ sớm thực hiện phản công. Trước hết, chúng sẽ vô hiệu hóa các protein kháng virus, cho phép các bản sao virus tiếp theo được tạo ra và có thể rời tế bào chủ. Cùng với đó, HIV sẽ liên tục biến đổi để không bị đội quân miễn dịch nhận diện. Đương nhiên, hệ miễn dịch không thể tấn công khi mà nó không còn nhìn thấy mối đe dọa.
Cuối cùng, hệ miễn dịch sẽ bị suy yếu dần: Các tế bào T giết vì được kích hoạt quá lâu sẽ trở nên kiệt sức và không thể phản ứng với sự xâm nhiễm; cơ thể cũng mất khả năng sản xuất tế bào T trợ giúp mới, để thay thế cho những tế bào mất đi trong cuộc chiến với HIV. Tất cả những sự kiện này dẫn đến sự suy giảm miễn dịch của cơ thể, hội chứng mà chúng ta vẫn thường gọi với cái tên: AIDS.
Khi hệ miễn dịch đã bị suy giảm, các tác nhân xâm nhiễm cơ hội như virus, vi khuẩn, nấm bệnh sẽ thỏa sức thâm nhập và tấn công cơ thể chúng ta, mà gần như không phải chạm trán với lớp phòng ngự nào. Đây cũng chính là nguyên nhân gây tử vong ở những bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối, virus HIV không trực tiếp giết chết người bệnh.
Minh Nhật
Theo Nature Video, Nucleus Medical Media