Cùng hóa đốt sống L5 là dị tật bẩm sinh
(Dân trí) - Cách đây hơn một năm, chị Nguyễn Thị Huyền Trang (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) bỗng dưng thấy mình hay bị đau lưng. Những cơn đau dữ dội kéo dài khiến chị gần như không làm được việc gì.
Chị cho biết: “làm gì cũng thấy lưng đau như rút xương, lúc thì đau ở thắt lưng, lúc thì thấy như có hàng ngàn con dòi bò nhung nhúc trong xương, lúc lại thấy như đau ở thịt, lúc đau bên trái, lúc lại đau bên phải… Một cử động nhỏ thôi cũng thấy đau. Nhất là những lúc thay đổi tư thế đột ngột như đang ngồi thì đứng lên hoặc đang đứng muốn ngồi xuống, hay khi ngồi thì không thể quay trái quay phải, quay lại đằng sau được… ”.
Đôi khi đang đứng chị phải từ từ ngồi xuống rồi mới dám ho hay cử động mạnh, bởi vì chỉ cần hắt xì hơi nhẹ thôi là lưng cũng đã đau buốt rồi. Chị Trang thấy “xương sống của tôi mất hết cả độ đàn hồi, nó cứng lại như một thanh sắt chắn giữa lưng. Những cơn đau khiến tôi luôn rơi vào tình trạng mệt mỏi, kiệt sức”.
Cùng hoá đốt sống là hiện tượng dính liền đốt sống thắt lưng thứ năm với xương cùng; thường gặp trong một số bệnh viêm và thoái hoá khớp, sau chấn thương, bất động lâu ngày… |
Khi không thể chịu đựng hơn được nữa, chị Trang đến bệnh viện khám bệnh. Kết quả cho thấy chị không có vấn đề gì về sức khỏe. (Khi đọc kết quả này, thậm chí có người cho rằng chị đang giả vờ hoặc mắc chứng hoang tưởng về những cơn đau).
Bác sĩ Hoàng Văn Đĩnh (Khoa Điện Quang, bệnh viện Lao và Bệnh phổi TƯ, người đã trực tiếp “đọc” phim X quang của chị Trang) cho biết: “Chị Trang bị chứng gọi là Cùng hóa đốt sống L5. Đây không phải là bệnh mà là một loại dị tật bẩm sinh. Cấu trúc xương cột sống của chị không bình thường. Đốt sống cuối cùng L5 của chị thụt hẳn xuống thấp hơn so với bình thường, gây đau đớn. Về cơ bản, các chức năng sống của chị không có vấn đề gì, không ảnh hưởng tới tính mạng, khả năng sinh sản… nhưng chị Trang sẽ phải “chung sống hòa bình” với cơn đau buốt suốt đời. Nếu đau quá có thể hỗ trợ bằng thuốc giảm đau (nhưng không nên lạm dụng quá, uống nhiều sẽ nhờn thuốc và hại dạ dày) chứ không có cách nào có thể chữa được kiểu dị tật này. Đây là một dạng dị tật bẩm sinh hiếm gặp, tỉ lệ cực ít. Trong suốt quãng đời làm bác sĩ (đã 20 năm), đây là lần thứ 2 tôi gặp trường hợp này”.
Tuy nhiên cường độ của cơn đau cũng không cố định, thậm chí còn phụ thuộc khá lớn vào yếu tố thần kinh. Khi nào chị Trang cảm thấy hưng phấn, vui vẻ hay thay đổi môi trường sống thì cơn đau cũng giảm đi nhiều. Thậm chí có lúc hết đau. Nhưng nếu khi tinh thần không ổn định, mệt mỏi… thì cơn đau phát triển tới mức không thể chịu đựng nổi.
Chị Trang được bác sĩ khuyên nên làm những công việc nhẹ nhàng, ít phải di chuyển, không nên làm việc nặng nhọc phải cử động nhiều. Đồng thời, điều trị tâm lý, giữ cho tinh thần luôn lạc quan, yêu đời và nếu có điều kiện thì thỉnh thoảng nên đến những nơi có môi trường trong lành, thoải mái để nghỉ ngơi với hi vọng giảm bớt cơn đau. Dù vậy, chị Trang vẫn đang phải “chung sống” với cơn đau hành hạ từng ngày và nỗi tuyệt vọng không cách gì cứu chữa.
Nguyên Thảo