Cục trưởng Cục ATTP: 'Không thể chấp nhận được'!
Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế nói như vậy trong cuộc trao đổi với PV Tiền Phong, sau khi đọc loạt bài “Vào lò làm thực phẩm chức năng: Tận thấy công nghệ siêu bẩn”.
Ông đã xem các bài báo, các chùm ảnh và clip nói về công nghệ chế biến thực phẩm chức năng trên Tiền Phong, ông nhận xet thế nào?
Tôi không thể chấp nhận được. Rõ ràng là họ vi phạm pháp luật. Ngay khi bài báo đầu tiên ra, chúng tôi đã yêu cầu Sở Y tế TPHCM vào cuộc ngay. Kết quả thì như báo phản ánh, Cty TNHH MC Food đã làm ăn hết sức bậy bạ.
Một cơ sở mỗi ngày sản xuất ra hàng triệu viên, lọ thực phẩm chức năng với “công nghệ bột + đường + muối” như vậy nhưng cơ quan chức năng vẫn không hề hay biết?
Chúng ta biết các hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng rất tinh vi, ở đây là MC Food. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ sức khỏe của người dân. Họ đăng ký một nơi, sản xuất một nẻo nên rất khó kiểm soát. Ở đây trách nhiệm có phần của địa phương khi cơ sở đóng trên địa bàn. Tại sao hai cơ sở làm ăn như vậy mà anh ở địa bàn đó mà không hay biết trong khi một quán nước, anh vẫn kiểm soát gắt gao?
Thưa ông, qua vụ việc này cho thấy chúng ta đang bỏ ngỏ hậu kiểm?
Chúng tôi đang tập trung thanh tra kiểm tra các cơ sở sản xuất có sự cấp phép của cơ quan chức năng. Còn làm “chui” như thế này thì rất khó kiểm soát. Qua vụ việc này, chúng tôi nhận thấy cần tăng cường hơn nữa vai trò kiểm tra giám sát của cấp phường, vì hiện tại có ban chỉ đạo An toàn thực phẩm ở cấp này, nơi địa bàn gần nhất với các cơ sở sản xuất.
Trong nhãn ghi sản xuất từ tháng 10/2013 nhưng có giấy công bố sản phẩm từ 1/2014 và bán thực phẩm chức năng ra thị trường mà cơ quan chức năng vẫn không hay biết, liệu có “bảo kê” ở đây không, thưa ông?
Chúng tôi khẳng định đến thời điểm này là “chưa có dấu hiệu bảo kê”. Chúng tôi đang xem xét, rà soát lại sự việc này. Nếu như năm 2014 mới cấp mà sản xuất từ 2013 thì đây là một hành vi sản xuất sai quy định, MC Food bị thêm tội sản xuất trái phép.
Cty TNHH MTV MC Food đã bị Sở Y tế TPHCM và các cơ quan chức năng khác thanh tra và xử phạt 4 lần, song hình như việc xử phạt không là gì so với lợi nhuận công ty thu lại?
Luật An toàn thực phẩm quy định cho phép các cơ quan chức năng xử phạt nhưng cũng không phạt vượt quá quy định được. Ngoài chuyện phạt tiền thì có hình thức phạt bổ sung như rút giấy phép. Tuy nhiên, hiện xử phạt thấp nên vẫn không đủ sức răn đe.
Thực phẩm chức năng được người dân ở nước ta sử dụng khá phổ biến, liệu còn ai dám dùng khi những hình ảnh làm ăn gian dối này được phanh phui?
Rõ ràng vai trò dự phòng của thực phẩm chức năng là rất lớn. Tuy nhiên, vụ Cty MC Food là sai phạm rõ ràng. Các trường hợp sản xuất như vậy sẽ ít nhiều làm ảnh hưởng đến tâm lý sử dụng của người tiêu dùng. Chúng tôi đã công khai trên các phương tiện để người dân biết và chọn mặt hàng an toàn. Theo tôi người dân không nên “sùng bái” thực phẩm chức năng mà nên hiểu đúng về nó để dùng sao cho tốt.
Cục An toàn thực phẩm sẽ làm gì trong thời gian tới để “bịt” những lỗ hổng trong hậu kiểm thực phẩm chức năng?
Bộ Y tế có chương trình phối hợp với Bộ Công an, Văn phòng 389 đã chỉ đạo các Sở Y tế và các cơ quan chức năng thanh tra kiểm tra chặt chẽ, quyết liệt các mặt hàng thực phẩm chức năng và phụ gia thực phẩm. Với những cơ sở làm ăn vi phạm như trên sẽ rút hết giấy phép.
Cám ơn ông.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Trước những hành vi vi phạm của Cty TNHH MC Food trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng mà báo Tiền Phong phản ánh, luật sư Nguyễn Đức Chánh - Giám đốc Cty Luật TNHH Đức Chánh cho biết, qua phản ánh từ báo chí có thể thấy hành vi của cá nhân ông giám đốc Cty TNHH MC Food khi sản xuất các loại thực phẩm chức năng không đảm bảo như vậy là vi phạm pháp luật. Làm các loại thực phẩm chức năng như Alpha MC, Lysozyme 90, B1, B6, Trivitamin B1- B6 - B12, ORS, Sorbitor, Rutin C, Krim-S… và mỹ phẩm Dầu mù u; thoa vết thương, Povidine, bôi sát khuẩn vết thương với thành phần chính là bột, đường, muối… thì đây là việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh. “Hàng giả ở đây là hàng giả về chất lượng hoặc công dụng theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013-NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ”- luật sư Chánh nói.
Theo ông Chánh, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, thuốc này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 157 Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009): “Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm”. Tùy vào việc gây hậu quả như thế nào? Cũng như số lượng và thu nhập bất chính trong suốt 2 năm qua của các cá nhân vi phạm mà khung hình phạt sẽ tương ứng với hậu quả gây ra. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là phạt tù từ hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo Đình Đình
Tiền phong