Cục pin hoen gỉ nằm trong lồng ngực bé 10 tháng tuổi
(Dân trí) - Thấy con xuất hiện sốt từng cơn, ho nhiều, khò khè, quấy khóc nhiều, gia đình đã đưa bé đến BV Nhi TƯ khám và rồi ngỡ ngàng khi bác sĩ thông báo trong lồng ngực bé có dị vật. Khi dị vật được gắp ra, gia đình càng “sốc” bởi đó là cục pin.
Mẹ cháu bé cho biết, trước đó mấy ngày, chị có tháo cục pin máy tính ra để thay và con đã “nhanh tay” lấy cục pin cho vào miệng, nuốt vào và không có biểu hiện gì đặc biệt ngay hôm đó. Chỉ đến hôm 3/9, trẻ mới xuất hiện sốt từng cơn, ho nhiều, khóc nhiều (nhất là khi ăn)… “Đưa con đến viện khám, tôi không hề nghĩ đến khả năng bị hóc cục pin, mà cứ nghĩ bé bị ốm, viêm đường hô hấp”, mẹ cháu bé cho biết.
PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc bệnh viện Nhi TƯ cho biết, ngay sau khi xác định dị vật là cục pin, bệnh viện đã tổ chức ngay kíp nội soi và mất 1 giờ mới gắp ra dị vật trên. Bởi không như các dị vật khác, viên pin có chứa chất ăn mòn nên rất nguy hiểm, nó có thể gây thủng thực quản, đe dọa tính mạng trẻ và trong trường hợp này thực quản đã bị loét sâu do cục pin hoen gỉ. Sau đó, sức khỏe trẻ cháu bé đã hồi phục dần.
Theo các bác sĩ, hóc dị vật bỏ quên dễ bị bỏ qua, chỉ biểu hiện ho dài ngày không khỏi, tái diễn liên tiếp, các bác sĩ cần chú ý khai thác hội chứng xâm nhập trước đó (bé có ho, sặc trong khi ăn, khi nhét đồ vật gì vào miệng). Bệnh nhân nên tới bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được chẩn đoán chính xác. Để phòng hóc dị vật, nhất là ở trẻ nhỏ, khi cho trẻ ăn các loại trái cây có hạt, thì cha mẹ nên bóc bỏ hạt trước khi trẻ ăn. Cũng cần chú ý trong việc lựa chọn đồ chơi cho trẻ, không cho trẻ chơi các đồ sắc nhọn, mảnh đồ chơi bị vỡ nhỏ. Còn khi ăn uống, nếu đang bình thường bỗng có các dấu hiệu ho sặc sụa, ngưng thở, tím tái, trợn mắt thì phải nghĩ ngay bị dị vật đường thở và cần nhanh chóng sơ cứu đưa bệnh nhân tới viện.
Tú Anh