1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cụ bà ở TPHCM thay khớp háng nhân tạo khi đã 102 tuổi

Biên Thùy

(Dân trí) - Theo bác sĩ, việc phẫu thuật thay khớp háng cho cụ bà 102 tuổi là vấn đề rất phức tạp. Nhưng nếu không mổ, bệnh nhân không thể đi lại hay ngồi được, về lâu dài sẽ dẫn đến lở loét, suy kiệt.

Bà P.T.C. (102 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM) được chuyển vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau háng phải sau té ngã, kèm suy thận cấp.

Qua thăm khám lâm sàng và kết quả chụp cộng hưởng từ khớp háng, cũng như đánh giá tổng trạng người bệnh, các bác sĩ kết luận cụ bà bị gãy kín liên mấu chuyển xương đùi phải, cần phải phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Tấn Thạnh, Trưởng khoa Chỉnh hình vi phẫu chia sẻ, phẫu thuật thay khớp háng là một lựa chọn "nan giải" đối với gia đình bệnh nhân, vì cụ bà đã lớn tuổi và có nhiều bệnh nền, đồng nghĩa với tỷ lệ rủi ro nhiều hơn và quá trình phục hồi cũng sẽ khó khăn nhiều.

Cụ bà ở TPHCM thay khớp háng nhân tạo khi đã 102 tuổi - 1

Các bác sĩ tiến hành ca mổ thay khớp háng nhân tạo cho cụ bà 102 tuổi (Ảnh: BV).

Nhưng nếu không mổ, bệnh nhân không thể đi lại hay ngồi được, khiến cho việc sinh hoạt trở nên khó khăn. Về lâu dài, bệnh nhân sẽ biến chứng lở loét do nằm lâu, viêm phổi ứ đọng... và dần dần suy kiệt, tỷ lệ tử vong cao. Chính vì thế, ekip khoa Chỉnh hình vi phẫu phải chuẩn bị chu đáo về nhân lực và trang thiết bị cho ca phẫu thuật.

Trong quá trình mổ, bác sĩ sử dụng đường mổ nhỏ, ít xâm lấn giúp hạn chế tổn thương, để người bệnh ít đau đớn và hồi phục nhanh hơn. Sau 2 ngày phẫu thuật, bà C. có thể tự ngồi.

5 ngày hậu phẫu, cụ bà đã có thể tự đứng lên và tập đi lại với khung đỡ, kèm sự hỗ trợ của gia đình cùng nhân viên y tế.

Cụ bà ở TPHCM thay khớp háng nhân tạo khi đã 102 tuổi - 2

Cụ bà được nhân viên y tế hỗ trợ tập đi sau mổ (Ảnh: BV).

Dự kiến những ngày tới, bệnh nhân sẽ tiếp tục được theo dõi, chăm sóc và được kỹ thuật viên hướng dẫn tập đi lại phục hồi chức năng tại phòng.

Bác sĩ lưu ý, gãy liên mấu chuyển xương đùi là tai nạn rất thường gặp ở người lớn tuổi - đặc biệt là phụ nữ - do chất lượng xương của nữ giới vốn không bằng nam giới.

Nếu không được điều trị đúng cách, chấn thương này có thể khiến bệnh nhân mất khả năng vận động, nằm một chỗ và làm tăng nguy cơ cho các bệnh lý nền, hoại tử.

Vì vậy, người cao tuổi cần thận trọng phòng tránh té ngã trong mọi không gian và hoàn cảnh sống.

Vào năm 2017, một cụ bà 102 tuổi (ngụ quận 3, TPHCM) bị gãy xương đùi phức tạp sau khi trượt ngã trong nhà. Bệnh nhân sau đó cũng được Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) thay khớp háng thành công, dù nguy cơ tử vong trong mổ lên đến 50%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm