1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cụ bà đau bụng quằn quại vì cây tăm ghim vào thành ruột

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau bụng quằn quại không rõ nguyên nhân, kiểm tra hình ảnh bác sĩ xác định đường tiêu hóa của bệnh nhân có 2 dị vật dài và nhọn. Qua nội soi, bác sĩ đã gắp thành công cây tăm tre đang ghim vào thành ruột bệnh nhân.

Tai nạn khá hi hữu trên xảy đến với cụ T.N. (71 tuổi, ngụ tại tỉnh Tây Ninh).

Ngày 20/10, trước khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á, cụ có biểu hiện đau bụng, những cơn đau ngày càng nặng, kèm theo sốt cao, mệt mỏi không rõ nguyên nhân.

Bác sĩ nội soi gắp dị vật trong đường tiêu hóa cho bệnh nhân
Bác sĩ nội soi gắp dị vật trong đường tiêu hóa cho bệnh nhân

Tại bệnh viện, qua khai thác bệnh sử bác sĩ ghi nhận, bệnh nhân có thói quen xỉa răng bằng tăm tre sau mỗi bữa ăn và thường ngậm tăm sau khi xỉa. Nghi ngờ bệnh nhân nuốt phải dị vật này, bác sĩ đã thực hiện chiếu chụp kiểm tra hình ảnh.

Kết quả cho thấy, trong đường ruột của bệnh nhân có đến 2 dị vật đều mang đầu nhọn. Dị vật thứ nhất nằm ở vị trí D3-D4 tá tràng, dị vật còn lại nằm ở đoạn cuối hỗng tràng.

Cây tăm tre thứ nhất với 2 đầu sắc nhọn ghim vào thành ruột gây viêm, xung huyết
Cây tăm tre thứ nhất với 2 đầu sắc nhọn ghim vào thành ruột gây viêm, xung huyết

Dị vật thứ nhất được gắp thành công qua mổ nội soi cấp cứu. Cây tăm tre nhọn 2 đầu, dài khoảng 4cm này đã ghim vào thành ruột của bệnh nhân ở vị trí D3-D4 tá tràng gây viêm, xung huyết.

Do dị vật còn lại nằm trọn trong lòng ruột nên sau 2 ngày theo dõi, khi dị vật thứ 2 đã xuống đại tràng, các bác sĩ đưa được dị vật ra ngoài qua hậu môn bằng phương pháp tháo thụt.

Ngày 30/10, sức khỏe của bệnh nhân tương đối ổn định, cụ đã hết sốt, không còn cảm giác đau bụng.

Cây tăm tre thứ hai đã bị nhai dập 1 đầu đổi màu sau khi được đảo thải qua hậu môn
Cây tăm tre thứ hai đã bị nhai dập 1 đầu đổi màu sau khi được đảo thải qua hậu môn

Dị vật đường tiêu hóa do nuốt tăm tre, xương cá, xương động vật... là tình trạng bệnh lý nguy hiểm có thể gây thủng dạ dày, thủng ruột hoặc tổn thương nhiều vị trí ở đường ruột gây nhiễm trùng, hoại tử đe dọa trực tiếp đến tính mạng nạn nhân. Qua trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo nếu chẳng may nuốt dị vật bệnh nhân cần đến bệnh viện để được kiểm tra, can thiệp hoặc hỗ trợ chuyên môn kịp thời.

Với những người lớn tuổi, trí nhớ đã bị “lão hóa” các cụ có thể ngậm tăm, nuốt tăm nhưng không ý thức được. Để hạn chế nguy cơ tai nạn trên, con cháu nên giúp các cụ thay thế thói quen sử dụng tăm xỉa răng bằng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn.

Vân Sơn