Cụ bà có hàng nghìn viên sỏi trong túi mật

Hà An

(Dân trí) - Phẫu thuật cắt túi mật bị viêm cho bệnh nhân 73 tuổi (Hà Nội), các bác sĩ ngỡ ngàng khi phát hiện hàng nghìn viên sỏi nhỏ trong túi mật có kích thước chưa bằng một quả trứng ngỗng.

Ngày 22/6, cụ bà 73 tuổi đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) khám với biểu hiện đau quặn vùng bụng thời gian dài. 

BS Trần Kiên Quyết, Trưởng khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán bị sỏi túi mật gây viêm và có chỉ định phẫu thuật sớm. Sau phẫu thuật, các y bác sĩ ngỡ ngàng khi phát hiện hàng nghìn viên sỏi nhỏ chứa trong một túi mật có kích thước chưa bằng một quả trứng ngỗng.

Cụ bà có hàng nghìn viên sỏi trong túi mật - 1

Các bác sĩ phát hiện hàng nghìn viên sỏi trong túi mật của bệnh nhân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Các bác sĩ lưu ý người bệnh cần đi khám nếu đột ngột xuất hiện cơn đau ở phía mạn sườn bên phải, ngay dưới vùng xương sườn, ở vai phải hoặc giữa 2 bả vai kèm theo buồn nôn, nôn mửa, đổ mồ hôi, bồn chồn, cơ thể mỏi mệt, rối loạn tiêu hóa kèm sốt cao trên 38 độ, rét run.

Túi mật nằm dưới gan ở vùng bụng trên bên phải, có nhiệm vụ cô đặc và lưu trữ dịch mật. Bình thường nếu chúng ta ăn, các thức ăn có mỡ, dầu túi mật sẽ co bóp để đẩy dịch mật xuống tá tràng để trộn lẫn với thức ăn giúp tiêu hóa chất béo.

Sỏi túi mật là một bệnh lý rất hay gặp. Nếu không được phát hiện, bệnh có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Sỏi túi mật có 2 dạng, sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật. Kích thước sỏi có thể nhỏ vài milimet hoặc lớn vài centimet, có hình tròn, bầu dục hoặc nhiều hình dạng khác tùy theo cấu tạo. Số lượng có thể từ một đến hàng trăm viên. Sỏi túi mật có thể gặp ở bất kỳ ai, ở mọi lứa tuổi.

Bệnh sỏi túi mật có thể không có bất kỳ một biểu hiện nào mà được phát hiện tình cờ qua siêu âm hoặc chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Ở giai đoạn muộn bệnh có thể gây đau bụng, gây vàng da tắc mật, viêm đường mật, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn đường mật, chảy máu đường mật…

Các nhà nghiên cứu nhận thấy có nhiều yếu tố hình thành, phát triển sỏi túi mật. Trong đó yếu tố nguy cơ hàng đầu là nữ giới có tuổi từ 40 trở lên, thường xuyên nhịn đói, giảm cân nhanh chóng.

Ngoài ra, những người phụ nữ có chế độ ăn giàu chất béo, thừa cân hoặc béo phì, có lối sống ít vận động… cũng dễ mắc sỏi túi mật. Những người trong gia đình có anh chị em, bố mẹ mắc sỏi túi mật cũng sẽ có nguy cơ. 

Một số bệnh lý rối loạn tiêu hóa, bệnh viêm ruột mạn tính hoặc những người sử dụng một số loại thuốc kháng sinh, tránh thai sẽ có nguy cơ cao mắc sỏi túi mật.

Để phòng bệnh, người dân cần giảm chế độ ăn nhiều chất béo, không để tăng cân, hằng ngày cần ăn ba bữa cân bằng. Đồng thời, duy trì cân nặng không vượt quá chuẩn mực dành cho lứa tuổi. 

Bên cạnh đó, cần thường xuyên tập luyện thể thao, thời gian tối thiểu 30 phút/ngày. Người có bệnh về máu cần được theo dõi phát hiện sỏi túi mật bằng siêu âm. Khi đã bị sỏi túi mật nên ăn giảm chất béo để giảm co thắt túi mật và sỏi túi mật chậm phát triển.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm