Cụ bà 103 tuổi chia sẻ bí quyết bất ngờ giúp xương chắc khỏe
(Dân trí) - Kết quả kiểm tra cho thấy, xương của người phụ nữ 103 tuổi này chỉ vừa mới 60 tuổi (theo tuổi sinh học) và không hề có triệu chứng loãng xương thường gặp ở người cao tuổi.
Bước sang tuổi 103, bà Ling, một người phụ nữ sống ở vùng núi Trung Quốc, đã gây bất ngờ cho các bác sĩ trong vùng, bởi không chỉ khỏe mạnh, mà kết quả kiểm tra còn cho thấy, xương của người phụ nữ này chỉ vừa mới 60 tuổi (theo tuổi sinh học).
Loãng xương là gì?
Loãng xương xảy ra khi quá trình tạo xương và hủy xương trong cơ thể mất cân bằng, hủy xương trở nên chiếm ưu thế. Lúc này, trên bề mặt xương sẽ xuất hiện những lỗ rỗng như bị côn trùng cắn. Loãng xương dẫn đến tình trạng giảm khối lượng xương, khiến xương yếu, giảm độ đàn hồi và tăng rủi ro chấn thương, gãy xương khi có tác động ngoại lực.
Những người dễ bị loãng xương
Phụ nữ mãn kinh
Quá trình tạo xương có liên quan trực tiếp đến hormone giới tính estrogen. Theo đó, loại hormone này có thể thúc đẩy sự hình thành của mô xương, giúp canxi trong máu kiết tinh trong xương và ngăn chặn sự hao hụt của các ion canxi, vốn là nguyên nhân dẫn đến bệnh loãng xương.
Khi bước sang tuổi mãn kinh, nồng độ estrogen của phụ nữ giảm nhanh từ đó làm chậm quá trình tái tạo xương, dẫn đến hiện tượng lượng xương bị mất đi nhiều hơn lượng xương được tái tạo gây ra loãng xương.
Người có yếu tố gia đình
Các nhà khoa học đã xác định được hàng chục gen di truyền có liên quan đến loãng xương. Bố mẹ có tiền sử bệnh loãng xương thì con cái cũng dễ bị loãng xương. Vì thế, nếu gia đình có người bị loãng xương, bạn hãy đi kiểm tra càng sớm càng tốt.
Các thói quen phản khoa học
Hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia cũng là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng loãng xương. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc ức chế quá trình sản xuất estrogen, loại hormone có vai trò quan trọng đối với sức khỏe của xương. Cùng với đó, nicotin trong thuốc khi thẩm thấu vào máu sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự hấp thụ canxi và làm tăng nguy cơ loãng xương.
Đối với các loại đồ uống có cồn như bia, rượu, nếu lạm dụng sẽ làm giảm lượng canxi và vitamin D của các tế bào, ức chế sự hình thành xương và không có lợi cho sức khỏe của xương.
Ngoài ra, khi chúng ta ăn mặn, lượng nước tiểu tăng lên và canxi được bài tiếp qua nước tiểu, nên chế độ ăn này cũng gây ra các tác động tiêu cực đến xương.
Bí quyết giữ xương chắc khỏe của người phụ nữ 103 tuổi
Quay trở lại câu chuyện của bà Ling, người phụ nữ này đã có những chia sẻ đầy bất ngờ về bí quyết giúp xương chắc khỏe đến như vậy:
Tắm nắng
Bà Ling cho biết, mình có thói quen tập thể dục hoặc đơn giản chỉ là ngồi thư giãn dưới ánh nắng nhẹ của buổi sáng sớm 15-20 phút mỗi ngày. Thói quen này đã được bà duy trì từ khi còn ở tuổi thiếu niên.
Ánh nắng mặt trời giúp cho cơ thể sản xuất ra vitamin D3, trong khi thức ăn cung cấp cho cơ thể vitamin D2. Nguồn chính của vitamin D là tổng hợp ở da dưới ảnh hưởng của bức xạ tia cực tím mặt trời B (UV-B) chiếm 80-90% và khoảng 10-20% do chế độ ăn uống. Vitamin D là hoạt chất thúc đẩy sự hấp thụ canxi và phốt pho của cơ thể, từ đó đẩy mạnh quá trình tổng hợp xương.
Ngủ đủ giấc
Một trong những cách ngăn ngừa loãng xương vừa đơn giản lại vừa hiệu quả chính là ngủ đủ giấc. Cụ thể, trong quá trình ngủ, khả năng hấp thu canxi của cơ thể sẽ tăng lên. Giấc ngủ bị gián đoạn hoặc không đủ thời gian cần thiết sẽ trực tiếp gây rối loạn hệ nội tiết của cơ thể, không chỉ ảnh hưởng đến quá trình tổng hợp xương, nó còn dẫn đến nhiều bệnh tật khác.
Vận động thể chất
Hàng xóm của bà Ling cho biết, bà thường xuyên tập thể dục, đi bộ vào buổi sáng và đến thời điểm hiện tại, bước chân của người phụ nữ 103 tuổi này vẫn rất nhanh nhẹn.
Theo các chuyên gia, vận động thể chất thường xuyên giúp bảo vệ hệ xương: kích thích sự hình thành xương và tăng cường cơ bắp nên tránh được nguy cơ gãy xương, rạn nứt xương. Đi bộ chính là hình thức vận động rất tốt. Lý tưởng nhất là đi bộ 30 đến 40 phút mỗi ngày.