Cứ 100 nam quan hệ đồng giới lại có 7 người nhiễm HIV

(Dân trí) - Theo một nghiên cứu của Trường đại học Y Hà Nội, nếu không được can thiệp dự phòng thì trong số 100 người nam quan hệ tình dục đồng giới chưa nhiễm HIV sau một năm sẽ có 7 người chuyển nhiễm HIV

Sáng ngày 04/12, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị 20 năm điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam.

Cứ 100 nam quan hệ đồng giới lại có 7 người nhiễm HIV  - 1

Nổi cộm trong các báo cáo được trình bày tại hội nghị về kết quả của công tác điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam trong 20 năm qua, là thực trạng lây truyền HIV qua đường tình dục liên tục gia tăng, đặc biệt là ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Cụ thể, kể từ năm 2010, xu hướng lây truyền HIV thông qua quan hệ tình dục có xu hướng gia tăng, đến năm 2018 có 52% người nhiễm HIV thông báo lây truyền qua con đường này, trong khi đó lây truyền qua đường máu lại có xu hướng giảm. Với nhóm đối tượng nam quan hệ tình dục, kết quả nghiên cứu của Trường đại học Y Hà Nội cho thấy, nếu không được can thiệp dự phòng thì trong số 100 người nam quan hệ tình dục đồng giới chưa nhiễm HIV thì sau một năm sẽ có 7 người chuyển nhiễm HIV.

Cứ 100 nam quan hệ đồng giới lại có 7 người nhiễm HIV  - 2

PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS báo cáo công tác điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam trong 20 năm qua.

Làm thế nào để người nhiễm HIV thuộc nhóm quần thể “ẩn” như nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ, người tiêm chích ma túy… được tiếp cận sớm với các biện pháp dự phòng và điều trị thuốc ARV đang là một thách thức thực sự, trong cuộc chiến với đại dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn này, Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam sau 20 năm đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, được đánh giá cao bởi cộng đồng quốc tế.

Cứ 100 nam quan hệ đồng giới lại có 7 người nhiễm HIV  - 3

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: “Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương triển khai thực hiện mục tiêu 90 - 90 - 90 từ tháng 10/2014 nhằm hướng tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở dưới ngưỡng ức chế và ổn định. Đến nay, Việt Nam đã đạt được mục tiêu 90% số người được điều trị ARV trước thời hạn.”

Theo PGS, TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tính đến hết tháng 9-2019, cả nước đang điều trị thuốc kháng vi rút ARV cho hơn 142.000 người nhiễm HIV, tăng hơn 270 lần so với năm 2005.

Cứ 100 nam quan hệ đồng giới lại có 7 người nhiễm HIV  - 4

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao việc mở rộng điều trị ARV tại Việt Nam

Ông Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao việc mở rộng điều trị ARV tại Việt Nam: “Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương có tốc độ tăng bao phủ đáng kể thuốc ARV. Việt Nam cũng rất tích cực sáng tạo trong việc giúp bệnh nhân HIV tiếp cận điều trị. Từ năm 2012 việc thay đổi mô hình cung cấp dịch vụ HIV bao gồm xét nghiệm HIV, điều trị ARV và điều trị methadone đã được thực hiện từ quy mô thí điểm đến phủ rộng toàn quốc. Cách tiếp cận theo hướng đưa dịch vụ đến gần dân hơn và giúp người bệnh tiếp cận dễ dàng hơn, giảm chi phí và thời gian đi lại cho người bệnh, đặc biệt là những người sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa”.

Minh Nhật

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm