1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Công thức nấu rượu bằng... phân đạm

Cồn 90 độ pha với nước máy để giảm xuống còn 60 độ. Còn thành phần đạm u rê và hoá chất clo thì cho vào men rượu (loại men Trung Quốc) để làm trắng gạo, đồng thời làm tăng khả năng phân huỷ gạo, tạo được nhiều rượu hơn, "nấu" nhanh hơn.

Ngày 21/5, lực lượng Quản lý thị trường TP Hải Phòng phối hợp cơ quan chức năng, đã bất ngờ kiểm tra cơ sở sản xuất rượu Tâm Lan do ông Lê Hữu Tâm và vợ là bà Nguyễn Thị Lan ở số 74, khu 10, Hạ Lũng, phường Đằng Hải, quận Hải An làm chủ.

 

Tại đây, nhiều vi phạm về VSATTP đã được phát hiện, đặc biệt nghiêm trọng là việc sử dụng đạm u-rê cùng một số hoá chất độc hại khác vào ngâm ủ, pha chế, nấu thành rượu, có hại cho sức khỏe người tiêu dùng khiến dư luận bức xúc.

 

8h ngày 26/5 (tức sau 5 ngày vụ rượu “cuốc lủi” nấu bằng… phân đạm được cơ quan Quản lý thị trường TP Hải Phòng kiểm tra, phát hiện), nhóm phóng viên chúng tôi có mặt tại khu vực chợ Lũng, phường Đằng Hải, quận Hải An - nơi cách cơ sở sản xuất rượu Tâm Lan chỉ vài chục mét. 

  

Có thể nói, người trong làng ra, người từ xa tới, không ai là không quan tâm tới vụ việc này, nhất là sau khi nó được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương. Ai cũng tìm mọi cách để tiếp cận thông tin, có thể chỉ để biết mà tránh, nhưng cũng có thể để… lo lắng. Bởi, có đến hàng ngàn người quanh khu vực nội thành Hải Phòng (chưa nói huyện ngoài, tỉnh ngoài) đã uống rượu có gốc gác từ “ty” rượu “cuốc lủi” này.

 

Ghé vào một quán giải khát có bán kèm nước chè mạn và rượu trắng (còn gọi rượu ngang) ở ngay khu vực chợ Lũng, chúng tôi được bà chủ quán cho hay: Cơ sở sản xuất rượu của ông bà Tâm - Lan đã hoạt động từ nhiều năm nay. Nhờ có đội quân khéo “tiếp thị”, chuyên đến mua buôn, mang đi bán lẻ hoặc bán giao cho các bếp ăn, quán nước, nhà hàng mà rượu “cuốc lủi” Tâm Lan nổi đình đám một thời.

 

Trung bình mỗi ngày, độ vài chục lượt người ra vào, có hôm đông, lên tới 5 - 6 chục khách. Mỗi khách hàng khi ra thường chở theo vài chục lít rượu, có khi cả trăm lít.

 

Cũng theo bà chủ quán này, trước đây bà thường xuyên lấy rượu trắng của một người (không rõ tên) chuyên đến giao với giá 10 nghìn đồng/lít. Một lần, bà đã dùng rượu này đổ vào bình rượu để ngâm cho gia đình sử dụng. Nhưng sau khi ngâm vài ngày, thấy rượu chuyển thành màu xanh, có mùi hắc, rất khó chịu, bà đã đổ cả bình rượu đi. Hỏi mới hay, người giao rượu đã mua từ cơ sở sản xuất rượu Tâm Lan, ngay tại địa phương. Từ đấy, bà đã không lấy rượu của người này, đồng thời “tẩy chay” bằng việc khuyên những hàng quán trong khu vực không cất rượu của cơ sở Tâm Lan về bán. Theo bà: “Chưa biết thành phần trong rượu ra sao, chỉ đồn đại từ lâu là sử dụng đạm u-rê để nấu. Như vậy, bằng giết khách hàng còn gì”.

 

Còn tại một quán cóc trên đường Ngô Gia Tự (cùng quận Hải An), thấy bày bán nhiều loại rượu, trong đó có cả rượu trắng, chúng tôi liền sà vào. Ông chủ quán “khoe”, mỗi ngày tiêu thụ được 5 - 7 lít rượu do gia đình tự nấu bằng phương pháp thủ công.

 

Ông còn rỉ tai chúng tôi, có lần đã đến tận cơ sở rượu Tâm Lan để xem công nghệ ra sao mà mỗi ngày sản xuất thủ công được những vài trăm lít, thậm chí cả nghìn lít, với giá rất mềm, chỉ  6 - 8 nghìn đồng/lít (trong khi rượu gia đình ông tự nấu có giá thành 10 - 12 nghìn đồng/ lít). Hoá ra, chủ cơ sở đã sử dụng cồn 90 độ, pha với nước máy chứa trong bể, để giảm độ cồn xuống còn 60 độ. Còn thành phần đạm u-rê và hoá chất clo thì cho vào men rượu (loại men Trung Quốc, sản phẩm bị cấm lưu hành) để làm trắng gạo, đồng thời làm tăng khả năng phân huỷ gạo, tạo được nhiều rượu hơn, “nấu” nhanh hơn.

 

Tuy nhiên, bằng vị giác và khứu giác, nhiều chủ quán nước, nhà hàng nhận biết được, đã không lấy loại rượu này về bán. Nhưng lại có khá đông người địa phương thuộc các phường Đằng Hải, Đằng Lâm, Đông Hải tới cơ sở sản xuất rượu Tâm Lan mua cất, mang lên khu vực nội thành, thậm chí đưa ra huyện ngoài, tỉnh ngoài tiêu thụ.

 

Trao đổi với chúng tôi trên điện thoại, ông Lương Hồng Tuyên, cán bộ Văn phòng UBND phường Đằng Hải bày tỏ bức xúc của mình. Ông cho rằng, địa phương chỉ quản về mặt hành chính, nhân sự (tức lao động làm việc tại cơ sở), còn về mặt chuyên môn thì chính quyền không thể nắm được, nên có biết cũng khó mà xử lý(!?). Dầu vậy, địa phương mong muốn các cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm hành vi sản xuất rượu không đảm bảo VSATTP này để bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng.

 

Được biết, Chi cục Quản lý thị trường Hải Phòng đã gửi mẫu rượu đi phân tích, kiểm tra xem có độc tố hay không.

 

Bất luận thế nào, thì đây cũng là vụ việc nghiêm trọng, liên quan tới sức khoẻ và tính mạng nhiều người tiêu dùng. Bởi vậy, không thể nương nhẹ, càng không thể đùn đẩy trách nhiệm rồi ém nhẹm, cho qua. Bằng không, sẽ tạo tiền lệ xấu, khó phòng ngừa, ngăn chặn được những vụ việc tương tự.

 

 Theo Lệ Thu

Công an nhân dân