1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Công nghệ” làm sữa ngô “siêu lợi nhuận”

Sữa ngô là loại thức uống thơm ngon, hấp dẫn đang rất được ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên, trong giới sản xuất sữa ngô hiện đang chuyền tay nhau một “công nghệ” chế biến loại thức uống này vừa nhanh, vừa tiết kiệm đáng kể chi phí.

 

Sản phẩm tinh dầu không rõ xuất xứ dùng chế biến sữa ngô vẫn được bán rộng rãi tại chợ Đồng Xuân.

 Sản phẩm tinh dầu không rõ xuất xứ dùng chế biến sữa ngô vẫn được bán rộng rãi tại chợ Đồng Xuân.

 

 

Truy tìm công nghệ

 

Chỉ cần gõ cụm từ “mua sữa ngô ở Hà Nội” trên công cụ tìm kiếm Google là xuất hiện hàng loạt các địa chỉ chuyên cung cấp sữa ngô cho các quán nước, cửa hàng bán đồ uống.

 

Hầu hết các cơ sở này đều đưa ra những lời quảng cáo hấp dẫn như: Sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, không chất bảo quản, không phẩm màu, không đường hóa học, rất tốt cho sức khỏe, mua nhiều sẽ được giảm giá…

 

Lần theo những thông tin trên mạng, trong vai đôi vợ chồng vừa mở cửa hàng kinh doanh đồ uống cần tìm một mối cung cấp sữa ngô thường xuyên, chúng tôi tìm đến một vài cơ sở này. Tuy nhiên, hầu hết những địa chỉ trên mạng đều là “ảo”. Khi chúng tôi gọi điện đặt vấn đề vào trực tiếp lấy hàng, chủ các cơ sở này từ chối và yêu cầu, chỉ cần cho biết địa điểm đang đứng sẽ có người mang sữa ngô đến tận nơi.

 

Tìm đến một địa chỉ làm sữa ngô trong ngõ 183 Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội, chúng tôi gọi vào số điện thoại được cung cấp trên mạng 0984680xxx và đặt vấn đề cần mua trước 2 lít sữa ngô dùng thử, nếu bán được sẽ lấy nhiều và thường xuyên hơn.

 

Đầu máy bên kia là một cô gái giọng khá trẻ. Cô gái mau mắn: “Anh cần bao nhiêu cũng có. Chỗ em cũng đang cung cấp khá nhiều cho các mối là các cửa hàng và quán nước, anh lấy thử về bán xem, có lãi lắm!”?

 

Chừng 10 phút sau, một nam thanh niên đi xe máy cầm theo 4 chai sữa ngô đi ra từ cuối đường Phúc Tân. Nam thanh niên cho biết, giá mỗi lít sữa ngô là 35.000 đồng, đồng thời khẳng định đây là mức giá rẻ nhất, vì các địa chỉ khác đều bán giá thấp nhất là 40.000 đồng/ lít.

 

Theo quan sát của phóng viên, sữa ngô được đựng trong vỏ chai nước lọc, dung tích 500ml và không có nhãn mác. Dung dịch sữa ngô có màu trắng đục, dậy mùi thơm đặc trưng của sữa và ngô, đặc biệt là có vị ngọt đậm.

 

Sau vài lần đặt mua sữa ngô tại cơ sở này, chúng tôi ngỏ ý muốn học cách làm sữa ngô vừa nhanh, lại vừa tiết kiệm chi phí tối đa, nhưng người thanh niên này lần lữa chối từ và chỉ tiết lộ, “cứ ra chợ Đồng Xuân mà hỏi”.

 

Nguyên liệu trôi nổi, không rõ xuất xứ

 

Theo chỉ dẫn của thanh niên này, chúng tôi tìm đến chợ Đồng Xuân - khu chợ sầm uất và đa dạng chủng loại hàng hóa nhất Hà Nội để tìm mua nguyên liệu chế biến sữa ngô “siêu lợi nhuận”.

 

Vào khu hàng tạp hóa, không quá khó khăn khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua các nguyên liệu cần thiết để tạo ra loại sữa ngô thơm ngon và đang được ưa chuộng này.

 

Một thanh niên khoảng 25 tuổi - chủ một cửa hàng tạp hóa trong chợ Đồng Xuân - nhanh miệng giới thiệu cho chúng tôi hai loại nguyên liệu để làm sữa ngô dậy mùi thơm hấp dẫn là tinh dầu sữa và tinh dầu ngô.

 

Theo lời vị chủ quán trẻ tuổi, đa số khách đến cửa hàng đều mua hai loại tinh dầu này để chế biến sữa ngô. Để khẳng định “chất lượng” mùi hương của sản phẩm, người này còn mở nắp chai cho chúng tôi ngửi thử và bảo: “Thơm như thật chưa?”. 

 

Những chai tinh dầu không có xuất xứ rõ ràng được sử dụng trong chế biến sữa ngô.

Những chai tinh dầu không có xuất xứ rõ ràng được sử dụng trong chế biến sữa ngô.

 

Quan sát kỹ thì thấy, tinh dầu được đóng trong chai nhựa có dung tích khoảng 0,5 lít. Tinh dầu ngô có màu vàng chanh rất đẹp mắt và có mùi hương ngọt dịu của ngô non; tương tự, tinh dầu sữa có màu sắc và mùi hương đặc trưng của sữa, rất khó phân biệt với mùi hương tự nhiên.

 

Mặc dù trên chiếc nhãn dán bằng “băng dính 2 mặt” trên thân chai này ghi tên tinh dầu Mỹ Linh, thậm chí còn khẳng định, sản phẩm “đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm”, nhưng lại không hề có địa chỉ cơ sở sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng rõ ràng.

 

Khi chúng tôi tỏ ra nghi ngại về sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, chủ cửa hàng liền trấn an: “Ôi trời! xưa nay vẫn bán cho khách làm hàng có sao đâu”. Người này cho biết thêm, loại sản phẩm này có giá thành cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường nên rất đảm bảo và khẳng định có thể để ở môi trường bên ngoài khoảng 5 tháng, mặc dù trong sản phẩm “không hề sử dụng chất bảo quản”.

 

Tất cả vì “siêu lợi nhuận”

 

Nghe chúng tôi giới thiệu là những người mới kinh doanh mặt hàng nước uống nên chủ cửa hàng chỉ bảo rất chi tiết cách làm sữa ngô với hương vị thơm ngon đặc biệt mà lại tiết kiệm tối đa chi phí.

 

Theo đó, sau khi xay và lọc ngô lấy nước xong, chỉ cần cho 1 nắp tinh dầu ngô và tinh dầu sữa là đã có khoảng 2-3 lít sữa ngô với mùi thơm hấp dẫn mà không cần đến các loại sữa tươi thật. Đặc biệt, theo lời chủ cửa hàng tạp hóa, chỉ với 90.000 đồng cho 2 chai tinh dầu sữa và tinh dầu ngô là có thể dùng chế biến cho khoảng 100 lít sữa ngô.

 

Trong khi đó, để làm 100 lít sữa ngô thông thường sẽ chi phí khoảng 900.000 đồng cho khoảng 30 lít sữa tươi trong quá trình chế biến. Như vậy, nếu không tính các nguyên liệu chính như ngô, đường và sữa đặc phụ thêm thì chêng lệch chi phí ở sữa tươi đã là 10 lần.

 

Theo một số người bán tinh dầu tư vấn, với việc sử dụng tinh dầu sữa và tinh dầu ngô, nếu làm chất lượng nhất thì chi phí cũng chỉ bằng 1/2 người làm sữa ngô nghiêm túc bằng nguyên liệu thật.

 

Chính vì “siêu lợi nhuận” như vậy, nên nhiều người bán lẻ đã bỏ qua vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm để vô tư pha chế và cung cấp ra xã hội những sản phẩm có hại cho sức khỏe.

 

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, sản phẩm tinh dầu Mỹ Linh này ở một chừng mực nhất định đã có nhãn mác, song chưa “minh bạch”.

 

Giáo sư Thịnh phân tích: “Theo nghị định của Chính phủ về nhãn hàng hóa, trên nhãn mác sản phẩm bao giờ cũng phải có tên sản phẩm, tên cơ sở sản xuất, địa chỉ sản xuất, ngày sản xuất và hạn sử dụng. Với sản phẩm thực phẩm phải ghi cả những chất phụ gia được sử dụng. Vậy vấn đề ở đây là, mặc dù cơ sở này đã tuân theo quy định về có nhãn hàng hóa trên sản phẩm, nhưng cái quan trọng với sản phẩm thực phẩm là ngày sản xuất và hạn sử dụng thì không có”.

 

Theo Thảo Nguyên – Nguyễn Sáng

Lao động