“Công chúa bệnh viện” kể chuyện dùng ý chí chiến thắng ung thư
27 tuổi bị di căn cổ tử cung, hơn 10 năm sau lại di căn dạ dày nhưng người phụ nữ được mệnh danh “công chúa bệnh viện”, bà Đinh Thị Bảy (SN 1946, trú tại số 104, Hàm Tử Quan, Hà Nội) vẫn quyết tâm có thêm con như một kỷ niệm để lại cho chồng. Chuyện cách đây đã 40 năm, song khi nhắc lại bà Bảy vẫn rưng rưng như mới ngày hôm qua.
Bà Đinh Thị Bảy bên con cháu. Ảnh: MH
Tôi được phong là “công chúa bệnh viện”
Phát hiện ung thư cổ tử cung đã di căn khi mới 27 tuổi, lúc đó bà Bảy đang là thanh niên xung phong của đội C2 – Đội cầu Trần Quốc Bình, Đoàn Thanh niên Tháng 8 Thủ đô, Thành đoàn Hà Nội. Khi đó, cô con gái đầu của bà mới gần 2 tuổi. Nhận tin dữ, người mẹ trẻ thật sự sốc nhưng tinh thần được kéo lại sau đó rất nhanh. Ngày đó mới kết thúc chiến tranh, bà lại ở thanh niên xung phong về chế độ nên cũng nhận được nhiều ưu đãi từ bệnh viện. Trong cơn bạo bệnh, bà đồng ý ngay khi được đề nghị thực hiện thí điểm chữa ung thư của một dự án có yếu tố nước ngoài. “Lúc đó, lượng bạch cầu của tôi lên rất cao, bác sĩ khuyên không được đánh răng, không rửa mặt mà chỉ dùng thuốc bệnh viện phát, cứ ăn cơm xong thì bôi răng, miệng để sát khuẩn, nhìn cứ như ngáo ộp. Đến lúc điều trị tôi còn bị suy tủy, hồng cầu chỉ còn 1,4 triệu, trong khi người bình thường phải từ 3,5 - 4 triệu hồng cầu. Nhưng cơ địa tốt và khát khao sống của tôi rất mãnh liệt”.
Bà Bảy tự hào: “Thời gian đó tôi nằm viện chế độ tiêu chuẩn Việt Xô – tiêu chuẩn cao nhất. Mọi người chỉ ăn có 3 hào/bữa nhưng tôi được ăn là 2,4 đồng/bữa, gấp 8 lần người bình thường. Bác sĩ, y tá và bệnh nhân ngày đó toàn gọi tôi là “công chúa của bệnh viện” vì nếu phải thanh toán thì đúng là đổi tiền lấy người”.
Cuộc điều trị ròng rã cả năm, xét nghiệm hết di căn, bà được gây tê và khoét chỗ u đó đi. Nhưng lúc đó, bà Bảy lại đối mặt với nguy hiểm khác là máu thiếu trầm trọng, cột sống – cỗ máy sản xuất ra máu non lại bị liệt nên bác sĩ phải truyền tủy, kích máu non. Thế là bà được truyền máu suốt một tháng, ngày/2 lần, ngày truyền nhiều nhất là 1 lít, ít thì 400mm nhưng lượng hồng cầu không lên. Để sản sinh được máu non bắt buộc phải truyền tủy nhưng ngày đó không ai bán tủy. “Chồng tôi đi các bệnh viện xin, bệnh viện cũng gửi công văn đi các nơi để xin tủy. Gần một tháng sau, Bệnh viện Việt Đức gọi sang nói có người cho tôi 300cc tủy (tủy mua đắt gấp 3 lần máu tươi), sau khi truyền tủy, máu mới bắt đầu nhích lên. Khi được truyền 700cc tủy, hồng cầu của tôi bắt đầu lên rất tốt. Lúc tôi ra viện là được 4,2 triệu hồng cầu nhưng tôi vẫn phải theo dõi”, bà Bảy vui vẻ kể lại.
Tắm và nhảy dây “trộm” mỗi ngày
Theo bà Bảy thì mọi chế độ thuốc thang, ăn uống bà đều tuân thủ tuyệt đối theo chỉ dẫn của bác sĩ, duy chỉ hai việc mà không theo đó là tắm gội và nhảy dây trộm mỗi ngày.
“Bác sĩ dặn đi lại nhẹ nhàng không sợ nó vỡ ra nhưng tôi thấy người gò bó khó chịu nên muốn tập thể dục. Tôi mua một cái dây để dậy thật sớm nhảy nhẹ nhàng vì lúc 4 - 5h sáng các bác sĩ phải trực đêm vẫn đang tranh thủ ngủ. Tôi cứ ra vỉa hè chỗ vắng người để tập. Bác sĩ không cho tắm nhưng buổi trưa tôi vẫn xách trộm xô nước nóng ở nhà bếp ra nhà tắm để tắm”, bà Bảy bật mí.
Tuy nhiên, trong số nhiều lần “vụng, trộm” ấy có lần khiến bà Bảy lo sốt vó vì trong bệnh viện phòng vô trùng không có muỗi nhưng hôm đó bà bị xước một chút ở mắt cá chân, chân sưng lên rất to, to như quả bưởi do không có sức đề kháng. Cả ngày hôm đó, một y tá lúc nào cũng phải ngồi bên cạnh để xì cồn, để cồn lúc nào cũng ướt ở chân. Thấy thế cũng ân hận nên bà liền bảo cô y tá để mình tự làm. Hậu quả là bà phải ngồi dội cồn liên tục như vậy phải mấy ngày sau vết thương mới lành.
Trong thời gian ở viện, bà Bảy ít gặp sự cố nhưng chứng kiến rất nhiều bất trắc của người khác nên rất mất tinh thần. Bà bảo, có người bệnh nặng quá, phẫu thuật xong là tắt thở, có cô rất xinh đẹp nhưng có bệnh thì chồng bỏ rơi, ở bệnh viện chẳng người thân bên cạnh lại phải mổ đi, mổ lại mấy lần.
Chưa bao giờ nghĩ mình chết vì bệnh ung thư
“Qua mấy chục năm, điều tôi đúc kết ra là dù có bạo bệnh gì thì trước hết mình phải có tư tưởng tốt. Chính bệnh viện còn nói với bố mẹ tôi là bây giờ chị ấy thích ăn gì thì gia đình cho ăn cái đó. Nhưng không vì nghe thấy điều đó mà tôi suy sụp, lúc nào tôi cũng nghĩ đến con, có hôm đang đêm cô y tá tưởng tôi mơ gặp ma vì cứ thấy hét ầm lên, cô ấy sang đánh thức tôi dậy hỏi có chuyện gì vậy, tôi nói: “Em đang đùa với con”. Không mơ thì thôi cứ mơ là gặp con, nói chuyện vui vẻ. Nghĩa là tư tưởng của tôi lúc nào cũng rất thông suốt, đặc biệt chưa bao giờ nghĩ mình chết vì bệnh ung thư. Lúc ra viện tôi vừa béo tròn, vừa đen sì, giơ tay bế con, con theo nhưng sau đó khóc thét vì nhìn tôi như con quỷ”, bà Bảy cười lớn.
Cách đây mấy năm, con gái lớn của bà Bảy cũng mắc chứng chửa trứng và buộc phải hủy thai nhưng chỉ ít hôm đã xuất hiện hai khối u tổ ong trong dạ con nhưng tư tưởng ủi xìu, khóc suốt. “Tôi thấy con gái bi quan mới dò hỏi, con rể nói thật tôi mới biết chuyện, tôi đã làm tư tưởng cho con rằng: Con không cần nhìn đâu xa chỉ cần nhìn mẹ đây, mẹ như vậy mà mẹ còn vượt qua lại còn sinh được Tuấn Anh, Đào, em Chính. Khi nhiều tuổi hơn, mẹ lại bị di căn dạ dày nhưng mẹ cũng vì nghĩ mình cần phải mạnh mẽ hơn nữa để vượt qua và đang sống rất tốt”.
Được biết, bà Bảy đã hướng dẫn cho gái cách bấm huyệt, massage dùng que dò ấn huyệt số 1 ở sống mũi - đồ hình phản chiếu âm đạo, thực hiện một cách tích cực và tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của bác sĩ. Sau một tháng đi khám, siêu âm đã thấy u biến mất, gần 2 năm sau con gái lớn cũng sinh thêm cho bà ngoại một đứa cháu nữa. Vừa rồi, chị bị cao huyết áp, bà Bảy lại yêu cầu con kiên trì theo bà học lớp tập thể dục ngoài trời, điều hòa khí huyết và huyết áp cũng dần ổn định trở lại.
“Trước tiên, tư tưởng phải thoải mái, gần hai năm nay tôi theo học lớp tập thể dục ngoài trời, sức đề kháng tăng lên rõ rệt. Trước đây, năm nào tôi cũng phải nằm viện 2-3 đợt nhưng hơn một năm nay vẫn khỏe mạnh nhờ tập luyện, sinh hoạt đúng mực”, bà Bảy vừa nói vừa cười vang.
Bây giờ, các con của bà Bảy đều đã yên bề gia thất, cháu đầy nhà và khá thành đạt. Công việc của bà giờ là ở nhà nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa. Chiều các cháu đi học về, bà cháu lại tíu tít trò chuyện. Theo bà, lời khuyên dành cho những người chẳng may mắc bệnh là không nên lo lắng gì về bệnh tật, chỉ nên nghĩ đến việc mình phải sống thật khỏe, tư tưởng hoàn toàn thoải mái để các con, người thân không bận lòng quá nhiều.
Nói về mẹ của mình anh Dương Tuấn Anh - PGS. TS Văn học, Giảng viên Khoa Ngữ văn Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: “Ngày đó mẹ tôi xác định, sinh tôi coi như để lại kỷ niệm cho bố. Nếu như không có sự quyết tâm sắt đá của mẹ, dám giữ con đến mức đánh cược cả tính mạng thì 40 năm trước tôi đã không tồn tại. Bây giờ trong cuộc sống, mỗi lần gặp khó khăn cứ nghĩ đến sự khó khăn của bố mẹ trước đó thì những khó khăn mình đang gặp không có ý nghĩa, không thấm tháp gì nên mình vượt qua một cách dễ dàng”.
Theo Mai Hạnh
Báo Gia đình & Xã hội