Công bố 100 ca mổ não, tủy sống đầu tiên bằng Robot AI tại Việt Nam
(Dân trí) - Sáng 22/12, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM công bố thực hiện thành công hơn 100 ca mổ u não, u tủy sống và đột quỵ xuất huyết não đầu tiên bằng Robot AI. Bộ Y tế cũng đã cấp phép và chỉ định bệnh viện trở thành cơ sở đào tạo, nhân rộng kỹ thuật này.
Hiện Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh là đơn vị y tế duy nhất tại Việt Nam sở hữu công nghệ mổ não và tủy sống bằng Robot AI Modus V Synaptive.
Phép màu giữa đời thực
Em Đại Anh Quân (15 tuổi) mang khối u não gần 8cm, nằm sâu trong tuyến tùng (vùng giữa não), điều trị 7 năm tại nhiều bệnh viện nhưng không khỏi. Khối u ngày càng phát triển khiến em không thể nói chuyện, yếu liệt nửa người. Do khối u nằm ở vị trí nguy hiểm, có nguy cơ cao tổn thương cấu trúc não quan trọng khi phẫu thuật nên nhiều bệnh viện lớn đã từ chối điều trị cho em.
Chị Phạm Thị Thu Trang (22 tuổi) mắc khối u não có kích thước 6cm, nằm ngay ở vùng thân não (vị trí nguy hiểm). Khối u chèn ép lên các chức năng thần kinh gây yếu liệt, tri giác lơ mơ, có nguy cơ tử vong đột ngột. Suốt 6 năm, chị Trang được cha đưa đi khắp các bệnh viện để điều trị nhưng không thành công.
Cả hai trường hợp sau đó được mổ bằng Robot AI tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM. Sau phẫu thuật, em Quân và chị Trang hồi phục tốt, tỉnh táo, nói chuyện lưu loát, có thể tự ăn uống và đi lại.
Kỷ lục gia châu Á - người đầu tiên mổ não bằng Robot AI tại Việt Nam
Tại buổi tọa đàm công bố 100 ca mổ não và tủy sống đầu tiên bằng Robot AI, ThS.BS.CKII Chu Tấn Sĩ - Trưởng Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết, ông tự hào và xúc động khi nhìn thấy hình ảnh những người bệnh khỏe mạnh, đi lại sinh hoạt bình thường đã được mổ bằng Robot AI trong một năm qua.
Nhờ có Robot AI mổ não và tủy sống, nhiều người bệnh đã đi lại được sau nhiều năm yếu liệt nằm một chỗ, hoặc sáng mắt trở lại sau thời gian dài mắt mờ dần và mù hẳn. Nhiều trẻ em thậm chí mới 4, 5 tuổi mắc u não nguy hiểm, không nói được, suy nghĩ loạn thần, cận kề cái chết, đã được cứu sống trong niềm hạnh phúc của người thân.
Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết 100 ca mổ não và tủy sống bằng Robot AI là con số khiêm tốn so với hơn 12.000 ca mổ thần kinh, sọ não mà ông đã thực hiện trong hơn 30 năm qua. Tuy nhiên, đây là những ca mổ mang dấu ấn đặc biệt trong sự nghiệp của ông và đồng nghiệp. Việc ứng dụng Robot AI hiện đại hàng đầu thế giới đã mở ra "cuộc cách mạng mới", mang lại hy vọng cho cả bác sĩ và người bệnh tại Việt Nam.
Bác sĩ Chu Tấn Sĩ hiện là kỷ lục gia châu Á, người đầu tiên mổ não bằng Robot AI. Ông và các cộng sự tại khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM là ê-kip duy nhất tại Việt Nam có chuyên môn và kinh nghiệm vận hành, làm chủ công nghệ robot này.
Bác sĩ Tấn Sĩ cho biết Robot AI mổ não và tủy sống vượt xa kỹ thuật mổ não truyền thống. Với kỹ thuật mổ truyền thống, trước cuộc mổ, bác sĩ chỉ thấy rời rạc khối u, khối máu tụ và các bó dẫn truyền thần kinh, mô não lành trên từng hình ảnh riêng biệt qua phim X-Quang, CT hoặc MRI. Bác sĩ không thể thấy toàn bộ các tổ chức bên trong não trên cùng một hình ảnh, không chủ động định vị được trước đường mổ an toàn, nguy cơ cao phạm phải các cấu trúc lành.
Trong khi đó, Robot AI và hệ thống thiết bị chẩn đoán hình ảnh siêu hiện đại giúp bác sĩ có thêm "những con mắt thần" để nhìn thấy toàn diện cấu trúc não hoặc tủy sống bao gồm cả khối u, khối máu tụ trên cùng một hình ảnh không gian 3 chiều (3D).
Cụ thể, Robot AI có thể hòa hình CT, MRI, DTI, DSA... để tạo thành một hình ảnh 3D có độ phân giải cao. Nhờ đó, bác sĩ thấy rõ toàn bộ bên trong sọ não, định vị chính xác khối u, khối máu tụ trong mối tương quan với các cấu trúc não lành và các bó sợi thần kinh xung quanh. Đồng thời, công nghệ AI còn chỉ ra các con đường tiếp cận khối u, khối máu tụ mà không làm tổn thương các bó sợi thần kinh hay vùng não, vùng tủy lành.
Robot AI cho phép bác sĩ mổ mô phỏng thực tế ảo trước trên phần mềm chuyên dụng. Bác sĩ sẽ có nhiều thời gian nghiên cứu các phương án và đưa ra quyết định lựa chọn vị trí mở hộp sọ, đường tiếp cận vào bên trong sọ não, tủy sống của người bệnh theo cách hiệu quả, thuận tiện và an toàn nhất, tránh phạm phải các cấu trúc lành.
Khi mổ chính thức, dữ liệu hoạch định sẵn từ cuộc mổ mô phỏng sẽ được truyền lên Robot và các thiết bị hiện đại tại phòng mổ, mọi thao tác của bác sĩ trong cuộc mổ chính thức đều được Robot AI giám sát chặt chẽ. Nhờ đó, bác sĩ thực hiện ca mổ đúng kế hoạch. Người bệnh hồi phục nhanh, bảo toàn tối đa các chức năng thần kinh.
Báo cáo với Bộ Y tế, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM cho biết mổ não, tủy sống bằng Robot AI Modus V Synaptive giúp người bệnh giảm 20% thời gian phẫu thuật, giảm 40% thời gian nằm viện, giảm 79% lượng máu mất trong phẫu thuật, trong khi chi phí điều trị có thể thấp hơn 40 lần so với phẫu thuật tại Mỹ.
Robot AI Modus V Synaptive trước mắt được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh ứng dụng trong điều trị 7 danh mục bệnh gồm: u não trên lều, u não dưới lều, u trong não thất, u não đường giữa, u não nền sọ, u trong ống sống, xuất huyết não - não thất; sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới. Bộ Y tế chỉ định Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh trở thành cơ sở đào tạo nhân rộng chuyên môn này.