Con tôi đã được sống nhờ máu của người khác…
(Dân trí) - Được đứng trên bục vinh quang để được tôn vinh, cô cô Lê Thị Tám (Trà Vinh) rơm rớm nước mắt vì xúc động. Từ một người không hề biết gì đến hoạt động hiến máu, cô trở thành người xông xáo, tích cực với 18 lần hiến máu.
“Con tôi đã được cứu sống nhờ máu của người khác, tôi nguyện mang máu mình… để giúp mọi người”, cô Tám chia sẻ. Ảnh: H.Hải
Năm nay, cô Lê Thị Tám (Trà Vinh) đã 51 tuổi nhưng cô vẫn là một gương mặt điển hình trong phong trào hiến máu tình nguyện tại Trà Vinh.
Trước đây, cô chưa từng biết gì đến hoạt động hiến máu. Nhưng năm 1989, khi con trai của cô bị sốt xuất huyết nhập viện Nhi đồng 1 điều trị, bác sĩ nói em phải truyền máu, nếu không có máu truyền rất nguy hiểm, bởi tiểu cầu giảm, nguy cơ chảy máu ồ ạt. Tuy nhiên thời điểm đó, kho máu tại viện lại hiếm hoi. “Nghe bác sĩ giải thích, tim tôi nhói đau bởi nguy cơ bé có thể bị xuất huyết não, thậm chí tử vong vì không có máu truyền. Đúng lúc đó, bác sĩ đã kêu gọi được một số người hiến máu cho con mình. Mình xúc động lắm, một người xa lạ, không quen biết, sẵn sàng lấy cả 250ml máu để truyền cho con mình mà không cần bất cứ sự cảm ơn về vật chất nào…”, cô Tám tâm sự.
Về sau, khi có cơ hội làm việc tại bệnh viện, cô Tám thường xuyên tiếp xúc với những em nhỏ dặt dẹo vì thiếu máu. Thấy mình khỏe mạnh, cô cũng mạnh dạn xin hiến máu và đủ tiêu chuẩn. Từ đó đến nay, cô đã hiến máu 18 lần.
Cô Tám cho biết, khi mới tham gia hiến máu, nhiều người nói cô đã già còn đi hiến máu. Nhưng theo cô, do mọi người chưa hiểu hết ý nghĩa của công việc này, cũng như tác dụng của hiến máu với sức khỏe. Sau dần nhìn vào cô, thấy cô hiến máu đều đặn mà vẫn luôn khỏe mạnh, tươi tắn, rồi được cô tuyên truyền về nhiều trường hợp thập tử nhất sinh, nhờ những giọt máu hồng hiến tặng đã sống sót, nhiều người đã “xuôi tai”. Đến nay, cô Tám cũng đã vận động được hơn 500 người hiến máu tình nguyện.
Khác với cô Tám đến với phong trào hiến máu tình nguyện vì con mình đã được cứu sống từ máu của người khác, bạn Trần Văn Vụ (Hải Hậu – Nam Định) lại đến với phong trào bởi… “phong trào” sinh viên. “Thấy các bạn đi hiến máu tình nguyện được tặng những vật phẩm rất dễ thương như búp bê, gấu bông… mình cũng hăm hở tham gia để lấy quà tặng bạn”, Vụ tâm sự về ngày đầu đi hiến máu.
Tuy nhiên sau khi tham gia trực tiếp vào hoạt động hiến máu tình nguyện, chàng sinh viên năm thứ 3 Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội đã bắt đầu “vỡ vạc” ý nghĩa lớn lao của hoạt động này.
Cô Tám, bạn Vụ chỉ là 2 trong số 100 người hiến máu tiêu biểu được tôn vinh tại Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu diễn ra chiều 14/6. Còn rất nhiều những tấm gương hiến máu điển hình khác như bác Nguyễn Phương (Bệnh viện Đa khoa huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đã 44 lần tham gia hiến máu và vận động được 350 người khác cùng hiến máu; anh Phan Văn Đông (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Cai Lậy, Tiền Giang) đã 50 lần hiến máu tình nguyện; anh Trần Hữu Tòng (phường Lê Bình, quận Cái Răng, TP. Cần Thơ) 45 lần tham gia hiến máu và vận động 2 người trong gia đình mình cùng tham gia hiến máu; Chị Nguyễn Như Quỳnh (Tuyên Quang) 6 lần hiến máu và đã vận động gần 2.800 người tham giá hiến máu…
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết, trong những năm qua, phong trào HMTN đã ngày càng phát triển và đi sâu vào nhận thức của đông đảo người dân.
Năm 2012, nước ta vận động và tiếp nhận được 912.310 đơn vị máu, tương đương với 1% dân số hiến máu, đáp ứng trên 50% nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị; trong đó lượng máu từ người hiến máu tình nguyện đạt gần 88%. Trên cả nước, đã xuất hiện nhiều tấm gương hiến máu gần 100 lần, có những gia đình và dòng họ hiến máu hàng trăm lần.
Hồng Hải