Con tôi có bị cận thị?
Con trai của em năm nay học lớp 3, 8 tuổi. Gần đây, cháu hay thích đứng gần khi xem tivi hoặc đọc sách rất gần, nếu bắt cháu đứng xa thì đôi lúc cháu nheo mắt. Đó có phải là biểu hiện của cận thị không? Và làm sao phát hiện sớm trẻ bị tật cận thị?(Võ Ngọc Thu, Bình Dương)
TS.BS. Trần Hải Yến trả lời:
Tật cận thị đa số bắt đầu xuất hiện ở tuổi đến trường, do vậy nó còn có tên là cận thị học đường, nhưng nó cũng có thể xuất hiện từ rất sớm. Ở các trường hợp xuất hiện sớm, do trẻ còn nhỏ nên triệu chứng nhìn mờ thường bị trẻ bỏ qua cho đến khi trẻ bước vào độ tuổi đi học. Các dấu hiệu thường gặp gợi ý trẻ đang có vấn đề về thị lực bao gồm: trẻ không nhìn rõ chữ trên bảng ở lớp; hay nheo mắt, giụi mắt, chảy nước mắt, thấy mỏi mắt, nhức đầu, bị lé khi nhìn xa; hoặc trẻ hay dí sát mặt vào sách khi đọc.
Đối với tật viễn thị, ta cần chú ý các dấu hiệu sau ở trẻ: đọc sách khó khăn; chớp mắt, giụi mắt thường xuyên; mắt ửng đỏ, chảy nước mắt, nhức đầu hoặc mắt bị lé khi nhìn gần. Tuy nhiên, do sức điều tiết bù trừ để thích nghi với tình trạng viễn thị của trẻ nhỏ khá mạnh nên các dấu hiệu này thường được phát hiện trễ hơn so với các dấu hiệu của tật cận thị. Từ đó dẫn đến hậu quả là tình trạng lé mắt và nhược thị về sau.
Nếu đúng như bạn miêu tả thì có thể con của bạn đang có những dấu hiện của tật cận thị. Muốn phát hiện sớm các vấn đề về khúc xạ nếu có ở bé thì bạn nên dẫn bé đi khám mắt định kỳ. Lịch kiểm tra mắt được khuyến cáo bởi Hiệp hội Nhãn khoa và Nhi khoa Hoa Kỳ bao gồm 4 mốc tuổi: thời kỳ sơ sinh, giai đoạn 6 tháng đến 1 tuổi, trước tuổi đến trường (3 tuổi đến 3 tuổi rưỡi), tuổi nhập học và bất cứ khi nào có dấu hiệu nghi ngờ về bất thường thị giác ở trẻ. Ở Việt nam do trang thiết bị, và việc chăm sóc mắt cho trẻ nhỏ còn hạn chế, nên thường khuyên cha mẹ cho các cháu đi khám từ khi 3-4 tuổi, hoặc khi bé có biểu hiện khác thường nêu trên.
Bạn cần lưu ý rằng, việc đeo kính cận có thể giúp trẻ nhìn rõ hơn nhưng không ngăn được sự tiến triển. Do đó, khi đã phát hiện trẻ có tật khúc xạ, nên đưa trẻ đi tái khám mỗi 6 tháng để điều chỉnh độ kính cho phù hợp nếu cần thiết.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần lưu ý thêm một số cách thức trong sinh hoạt hàng ngày của trẻ như sau:
- Điều chỉnh tư thế ngồi học cho trẻ đúng cách giúp mắt có khoảng cách điều tiết hợp lý. Sử dụng bàn, ghế ngồi học phù hợp với lứa tuổi và chiều cao của trẻ.
- Bố trí phòng học của trẻ đủ ánh sáng, không sử dụng đèn chiếu sáng công suất mạnh hoặc ánh sáng đèn quá tối.
- Chữ viết trên bảng cũng như chữ in trong sách phải rõ ràng, bảng và giấy không quá bóng, gây mỏi mắt, màu nền và màu chữ cần có độ tương phản tốt.
- Kiểm soát khoảng cách đọc, viết của trẻ, hướng dẫn trẻ duy trì mức từ 30-50cm từ mắt đến mặt sách.
- Không cho trẻ đọc, viết trong thời gian dài, nên khuyến khích trẻ thư giãn sau mỗi 1 tiếng, nghỉ ngơi 5-10 phút bằng cách nhắm mắt lại hoặc thư giãn nhìn ra xa. Trẻ em có độ cận thị nặng cần được điều hòa giữa công việc sách vở và các hoạt động giải trí ngoài trời.
- Không đọc sách trong bóng tối hoặc ngồi trước máy vi tính quá nhiều vì sẽ dẫn đến mỏi mắt.
- Xem tivi ở khoảng cách ít nhất 2m, ngồi cách màn hình máy tính ít nhất 50cm, khuyến khích trẻ nghỉ ngơi sau mỗi 30-40 phút.
- Không cho trẻ học hay chơi các thiết bị điện tử quá mức dễ khiến trẻ mệt mỏi, căng thẳng dẫn đến ảnh hưởng xấu đến sự điều tiết của mắt.
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời.
- Trẻ sẽ được khuyên nên đeo kính khi đọc sách hay không tùy từng trường hợp. Trong lớp, trẻ có tật khúc xạ cần được xếp ngồi gần bảng, vì một số trẻ dù đã được đeo kính đúng nhưng tình trạng nhược thị vẫn còn.
Hy vọng với những thông tin bên trên, bạn sẽ có một quyết định đúng trong việc chăm sóc mắt cho con mình.
TS.BS. Trần Hải Yến
Phòng khám mắt HYEC
31A Nguyễn ĐÌnh Chiểu, Q.1, TPHCM
Độc giả có thể trực tiếp đặt câu hỏi các bệnh về mắt và các phương pháp điều trị với TS.BS. Trần Hải Yến qua email info@haiyeneyecenter.com tại www.phongkhammathaiyen.com và theo số điện thoại 1800757576, 0913 666 665 và 08 66861396. |