Coi chừng miệng thơm lại ôm thêm bệnh!

Thuốc xịt thơm miệng là chế phẩm không cần toa bác sĩ, dùng để che giấu hơi thở khó chịu, thường được chứa trong một lọ nhỏ dạng xịt có thể dễ dàng bỏ trong túi, trong ví để phòng khi hữu sự.

 

Coi chừng miệng thơm lại ôm thêm bệnh! - 1

Mặc dù có tên là thuốc xịt thơm miệng nhưng thực chất các chế phẩm này chỉ có tác dụng che giấu mùi hôi của hơi thở theo cách “chữa cháy” chứ không trị được nguyên nhân gây hôi miệng (trừ những dạng thuốc xịt có chứa dược phẩm trị liệu chuyên biệt được bác sĩ kê toa).Thông thường, thuốc xịt thơm miệng được dùng nhiều nhất sau những bữa ăn có chứa gia vị gây mùi hôi như hành, tỏi...

Thuốc xịt thơm miệng thông thường là một hỗn hợp của tinh dầu húng bạc hà (mint) và cồn, rất nhiều chế phẩm còn được cho thêm đường nhằm tạo vị dễ chịu khi tiếp xúc với lưỡi. Tuy nhiên, đường càng dễ làm thức ăn trở thành nơi “bao che” cho vi khuẩn trong miệng và càng làm cho mùi hơi thở... “dễ xa nhau” hơn. Chất cồn có trong các thuốc xịt thơm miệng cũng sẽ làm khô miệng, nếu xài liên tục càng làm cho bệnh trạng nghiêm trọng hơn.

Giải pháp tốt nhất là vệ sinh răng miệng cho thật kỹ. Nên dùng sợi nha khoa ít nhất một lần và đánh răng ít nhất 2 lần/ngày. Nên giữ cho miệng đủ độ ướt bằng cách nhai kẹo cao su không có đường, uống nước thường xuyên.

Sau khi dùng đủ cách “đối phó” nhưng hơi thở vẫn có mùi khó chịu thì bạn cần đến khám bác sĩ để xác định nguyên nhân. Nên nhớ là một số dược phẩm cũng có thể gây hôi miệng.

Trong trường hợp bất khả kháng, sau khi ăn những bữa ăn nhiều hành tỏi, bạn có thể ăn một trái ổi hay nhai vài lá ổi rửa sạch; cũng có thể nhai thêm vài lá húng bạc hà, húng lủi hay vài mẩu đinh hương sẽ tốt hơn sử dụng những chế phẩm thuốc xịt thơm miệng. Bạn cũng có thể tự tay bào chế nước súc miệng từ lá ổi để khử mùi khó chịu của hơi thở theo cách thức đơn giản như sau:

Đun sôi 3 chén nước sau đó giảm lửa, để nước sôi liu riu rồi bỏ vào 10 lá ổi non và tiếp tục để nước sôi liu riu trong khoảng 10 phút, sau đó nhắc nồi ra khỏi bếp, đợi nước nguội hẳn rồi lọc bỏ lá, lấy nước. Dùng nước này súc miệng vừa loại bỏ được hơi thở “dễ xa nhau” vừa bảo vệ hàm răng chắc khỏe. Trong trường hợp bị đau cuống họng, bạn cũng có thể dùng nước lá ổi được pha chế theo cách trên để súc miệng.

Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm