1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Coi chừng mắc bệnh ung thư, đường ruột vì trà Tết

Vì lợi ích kinh tế, người sản xuất sẵn sàng cho các hợp chất như phân lân, bột đá, xi măng, bùn... vào trà để tăng lợi nhuận, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.

Vô vàn chất độc hại được tẩm ướp vào trà (chè)

 

Hiện nay trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, đang liên tục đưa ra những lời cảnh báo về các loại đồ ăn, thức uống mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây nhiều loại bệnh khác nhau nhất là trong những ngày giáp Tết. Trong số đó, trà cũng không phải là ngoại lệ. Phần lớn hãng trà bày bán, đóng gói đều ghi chữ Hán, chỉ một số ít có ghi địa chỉ nhà sản xuất trong nước. Các sản phẩm này đều không ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng cũng như thành phần...

 

Theo báo Người lao động đưa tin, tại chợ hóa chất Kim Biên (Quận 5, TPHCM), hầu như sạp nào cũng có các loại hóa chất hương lài, hương sen để tẩm trà. Chỉ cần hỏi mua hương lài, hương sen thì người bán nói ngay "để ướp trả hả?". Ông H., chủ một sạp hóa chất tại chợ, khoe các mối ở tỉnh đặt hàng mỗi lần cả trăm kg, nhất là vào thời điểm cận Tết như hiện nay.

 

Ngoài những mối ở tỉnh, ông H. còn có hàng chục mối tại TPHCM mua về tẩm ướp trà. Hương lài, hương sen có giá bán trên 200.000 đồng một kg, còn hóa chất chống mốc chỉ 25.000 đồng. Để giữ mùi hương và màu trà, tại đây còn bán cả hóa chất giữ mùi hương, giữ màu.

 

Chè được phơi ngay tại lề đường có đảm bảo vệ sinh?

Chè được phơi ngay tại lề đường có đảm bảo vệ sinh?

 

"Không chỉ trong quá trình chế biến, trà mới bị tẩm ướp hóa chất mà cả những cánh đồng trà cũng bị "đầu độc", một chuyên gia trong lĩnh vực hóa học cảnh báo.

 

Do trà là loại cây ưa thích của nhiều loại côn trùng, sâu rầy nên người trồng trà thường xuyên phun thuốc trừ sâu với nồng độ cao và mật độ dày. Theo các nhà chuyên môn, trà cũng bị phun thuốc trừ sâu thuộc loại cấm sử dụng và hóa chất giúp tăng trưởng để trà ra đọt nhanh, lá to. Khi thu hoạch, người trồng trà còn tẩm ướp thêm hóa chất chống mốc, chống nấm và côn trùng...

 

Ông Trần Hữu Thái, người có thâm niên trong ngành trà trên 20 năm, cho biết: "Để chế biến trà rẻ tiền cung cấp cho các quán cà phê cóc, quán ăn lề đường, người ta mua trà thô về rồi xịt hóa chất hương lài, hương sen với nồng độ khoảng 1%. Sau đó trùm trà bằng tấm bạt, ủ khoảng một tuần lễ". Còn tẩm ướp trà bằng hoa lài, hoa sen tự nhiên phải tuân thủ theo tỷ lệ 20% hoa, 80% trà và ủ trong phòng lạnh với nhiệt độ từ 18 - 22 độ C để các vi sinh trong trà lên men tự nhiên.

 

Theo giới chuyên môn, các mặt hàng trà giá rẻ bày bán trên thị trường có đến trên 90% được tẩm ướp hóa chất tổng hợp do có giá thành rẻ, giữ mùi lâu. Còn tẩm ướp bằng hương hoa tự nhiên, hoặc bằng phương pháp lên men tự nhiên sẽ đẩy giá thành cao gấp vài chục lần so với tẩm ướp bằng hóa chất, nhất là vào thời diểm trái mùa, giá hoa lài lên tới 90.000 đồng một kg nên ít người làm. Nếu uống phải trà có tẩm ướp từ hương liệu bằng hóa chất thì chẳng khác nào uống thuốc độc.

 

Không chỉ thị trường trà trong Nam bị đầu độc, ở miền Bắc hiện tượng trộn phân lân, NPK, bột đá, bùn, chất thải… vào trà đang diễn ra rất phổ biến ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), Văn Chấn (Yên Bái), Hàm Yên (Tuyên Quang), Định Hóa (Thái Nguyên)… đã từng bị cơ quan chức năng phanh phui.

 

Mới đây tháng 12/2012, cơ quan quản lý đã thu hồi 400.000 hộp trà Ô Long sau khi kết quả kiểm tra tại chỗ cho thấy dư lượng thuốc trừ sâu trong các sản phẩm này vượt giới hạn về an toàn thực phẩm ở Nhật.

 

Trước thực trạng như vây, người dân cần phải cảnh giác cao độ với những loại trà trong nước cũng như nhập khẩu, nhất là dịp gần Tết, lượng tiêu thụ trà tăng cao. Tuyệt đối không mua và sử dụng các loại trà không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng. Bởi nếu sử dụng những loại trà nhiễm hóa chất, không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ gây nên nhiều tác hại khi vào cơ thể.

 

Ung thư gan, bệnh đường ruột... vì trà bẩn

 

ThS.BS Trịnh Quốc Đạt, Trưởng khoa Hóa - Sinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Các chất như phân lân, bột đá, xi măng rất nguy hiểm cho người sử dụng khi uống. Tùy từng nồng độ pha chế các chất đó với trà là bao nhiêu thì tác động đến cơ thể khác nhau. Các chất đó khi đi vào cơ thể có thể gây bệnh đường ruột, ảnh hưởng đến thận và hệ thống tim mạch".

 

Các chuyên gia trong lĩnh vực này hướng dẫn, hạn chế sử dụng trà có mùi thơm ngào ngạt, vì mùi càng thơm thì nồng độ tẩm ướp hóa chất càng cao, uống vào dễ dẫn đến sốc, mùi nồng lên mũi và có thể bị sặc. Đối với trà tẩm ướp hương tự nhiên, hoặc lên men tự nhiên sẽ có mùi thơm thoang thoảng, vị dịu dễ chịu.

 

Tiến sĩ Phạm Thành Quân, Phó trưởng Khoa Công nghệ Hóa học, Đại học Bách khoa TP HCM, cho biết: "Hóa chất hương lài có gốc từ penzylacetat, hương sen từ P- Dimethoxy penzin, đều là chất độc hại gốc hữu cơ. Chỉ cần ngửi những chất này cũng bị chóng mặt, xây xẩm; ngửi nhiều sẽ ngất xỉu do tác động đến hệ thần kinh.

 

Chất giữ mùi hay còn gọi là chất định hương có tên là Fixateur, đây là chất cực độc do nó không phân hủy nên tích tụ trong gan dẫn đến ung thư. Các chất giữ màu chống ôxy hóa, chất chống mốc đều là chất độc hại, nguy hiểm đối với sức khỏe".

 

Theo Phạm Thuỳ

Kiến thức