Cơ sở y tế không biết cách pha thuốc

Dịch bệnh có xu hướng gia tăng thời gian qua là do tình hình thời tiết thất thường, do môi trường xuống cấp, do dân nhập cư đông đúc và do cán bộ y tế cơ sở chưa làm hết trách nhiệm.

Khi cán bộ y tế lúng túng

 

Sở Y tế đã cấp Cloramin B cho 24 quận, huyện để khử trùng nơi đông dân cư, trường học nhằm phòng chống dịch bệnh lây lan. Nhưng khi đại diện sở Y tế xuống phường Hiệp Thành của quận 12 hôm 14/3 và hỏi thử một số người dân, nhiều người nói chỉ biết nhận thuốc về mà không biết cách pha thế nào, sử dụng ra sao.

 
Cơ sở y tế không biết cách pha thuốc - 1
Kiểm tra tại khu nhà trọ phường Hiệp Thành của quận 12
Tại một khu nhà trọ ở phường này, một người dân cho biết: Gia đình chị khi nhận thuốc về cứ pha ra để rửa và chùi nhà chứ không biết liều lượng pha thế nào vì không có ai hướng dẫn.

 

Nhưng muốn được hướng dẫn có lẽ cũng khó vì bản thân cán bộ chuyên môn cũng… chưa nắm rõ! Tại trường mẫu giáo Tân Hoà (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn), bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc TT Y tế dự phòng thành phố, hỏi một cán bộ y tế xã về cách pha, liều lượng pha thuốc diệt khuẩn, cán bộ này đã lúng túng.

 

Được biết, trong năm 2008, toàn huyện Hóc Môn có 12 ca bệnh tay chân miệng, trong đó có một ca tử vong. Trong ba tháng đầu năm nay, Hóc Môn có thêm bốn ca bệnh tay chân miệng.

 

Chuyện ở quận 7

 

Tại quận 7, theo báo cáo của bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Giám đốc TT Y tế dự phòng quận, đến nay quận chưa có đội ngũ giám sát dịch bệnh tại các trường học và nhà dân. Việc xác minh, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng vì thế gặp nhiều khó khăn khi thường nhận được các thông tin về tên và địa chỉ bệnh nhân không chính xác.

 

Bác sĩ Hưng dẫn chứng, có thông tin mà khi tìm xuống đến đúng địa chỉ thì nhận được từ người dân địa phương những trả lời kiểu như “chẳng có ai tên đó sống ở đây”. Còn có khi trên một tuyến đường có nhiều địa chỉ trùng nhau nhưng thông tin bệnh nhân lại không cho biết rõ địa chỉ thuộc phường nào. Việc tìm đến nơi ở của bệnh nhân để khoanh vùng, xử lý ổ dịch nhiêu khê hơn chỉ vì những sai lệch như thế.

 

Đến trung tâm y tế dự phòng quận 7 vào sáng 15/3, đoàn kiểm tra dịch bệnh của sở Y tế không gặp đại diện nào của UBND quận này, đại diện các trạm y tế phường tỏ ra lóng ngóng, không nắm rõ dân đã sử dụng thuốc diệt khuẩn chưa. UBND thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện thực hiện tổng vệ sinh trên toàn địa bàn vào cuối tuần, nhưng cho đến nay quận 7 vẫn chưa triển khai. Dù sở Y tế đã tổ chức 10 buổi tập huấn cho cán bộ các cấp, quận này vẫn chưa triển khai việc tuyên truyền phòng dịch đến từng hộ dân.

 

Tại quận 7, trong quý một năm 2009 có 115 ca sốt xuất huyết, 11 ca bệnh tay chân miệng và 27 ca bệnh thuỷ đậu.

 

Để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả hơn, TS.BS Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết Sở sẽ hỗ trợ cấp cơ sở tái lập lại mạng lưới “nhân viên sức khoẻ cộng đồng”, nhằm cải thiện mạng lưới “chân rết” cộng tác viên y tế trong lĩnh vực phòng chống dịch bệnh. Mục đích cuối cùng của chiến dịch là làm sao người dân phải biết thực hiện tổng vệ sinh, khử khuẩn nhà cửa, tạo môi trường sạch đẹp, nếu người dân không làm được chuyện đó coi như chiến dịch thất bại.

 

Theo Hoàng Dung

Sài gòn tiếp thị