Có nên tiêm vaccine cúm cho người cao tuổi trước nguy cơ dịch chồng dịch?
(Dân trí) - Số ca nhiễm cúm tăng lên, trong khi đó diễn tiến của dịch Covid-19 khó dự đoán với sự xuất hiện của biến chủng dễ lây lan BA.5 của Omicron. Do đó, bên cạnh vaccine Covid-19, người cao tuổi nên tiêm phòng vaccine cúm.
Cúm là gì?
Cúm là bệnh lây qua đường hô hấp do những virus cúm, gây nhiễm trùng ở mũi, họng, có thể dẫn đến viêm phổi. Cúm có thể xảy ra từ mức độ nhẹ đến nặng, thậm chí có thể gây tử vong.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tác nhân gây bệnh ở người chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.
Chiều 21/7/2022, Bộ Y tế Việt Nam đã tổ chức hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022. Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, các ca mắc cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước, chủ yếu lưu hành vẫn là cúm A (H3N2, H1N1) và cúm B. Đây là những chủng cúm đã có vaccine phòng bệnh hiệu quả.
Vaccine cúm tứ giá hiện nay đã được cập nhật chủng cúm theo khuyến cáo của WHO cho mùa cúm 2022/2023, đặc biệt là chủng A(H3N2).
Cúm có những biểu hiện dễ gây nhầm lẫn với các bệnh lý nhiễm virus khác và có thể gây ra biến chứng nặng
Cúm khác với cảm lạnh, thường xảy ra đột ngột. Người bị cúm có thể có những triệu chứng như: Sốt hoặc ớn lạnh, ho, đau họng, chảy mũi, đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi. Hầu hết người bị cúm sẽ hồi phục sau vài ngày đến ít hơn 2 tuần, một số người bệnh có biến chứng viêm phổi, có thể đe dọa tính mạng và gây tử vong.
Những biến chứng nguy hiểm khác của cúm như viêm cơ tim, viêm não, viêm cơ hoặc tiêu hủy cơ vân, suy đa cơ quan như suy hô hấp và suy thận, nhiễm trùng huyết.
Những người nguy cơ cao bị biến chứng nặng liên quan đến cúm bao gồm người trên 65 tuổi, người có bệnh tim, tiểu đường, hen suyễn, phụ nữ có thai và trẻ em dưới 5 tuổi.
Người trên 65 tuổi có nguy cơ cao phát triển những biến chứng nặng do cúm
Những năm gần đây, tỉ lệ nhập viện do cúm từ 50 -70% và tỉ lệ tử vong do cúm dao động từ 70 - 85% ở người trên 65 tuổi.
Nguy cơ biến chứng là do sự suy giảm miễn dịch tăng dần theo tuổi. Bên cạnh đó, người cao tuổi thường kèm nhiều bệnh nền: bệnh tim, tiểu đường…
Những nghiên cứu cho thấy sau khi nhiễm cúm, bệnh nhân tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ và việc tiêm phòng vaccine cúm giúp giảm nguy cơ nhập viện, tử vong cũng như các biến cố tim mạch ở những người có bệnh tim.
Bên cạnh đó, người mắc tiểu đường túyp 1, túyp 2, hoặc tiểu đường thai kỳ, dù đã được kiểm soát tốt, cũng là những đối tượng nguy cơ cao diễn tiến nặng khi nhiễm cúm, dẫn đến tăng tỉ lệ nhập viện và tăng nguy cơ tử vong. Cúm làm cho bệnh tiểu đường khó kiểm soát hơn, như làm tăng hoặc giảm đường huyết thất thường.
Cách tốt nhất để bảo vệ chống lại cúm và những biến chứng nặng nề của cúm là tiêm vaccine cúm hằng năm
Để chủ động phòng, chống cúm mùa, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:
Tiêm vaccine cúm để tăng cường miễn dịch phòng, chống cúm.
Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.
Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng.
Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết; sử dụng khẩu trang y tế khi cần thiết.
Người dân không tự ý mua thuốc và sử dụng thuốc kháng virus mà cần phải theo chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.
Virus cúm biến đổi thường xuyên, việc phát triển vaccine cúm được thực hiện hàng năm để cập nhật các chủng virus cúm mới đang lưu hành. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo nên tiêm nhắc lại vaccine cúm hàng năm.
Các loại vaccine cúm ở Việt Nam:
Tại Việt Nam hiện đã có vaccine cúm tứ giá xuất xứ từ Hà Lan, Pháp có thể phòng ngừa được cả 4 chủng virus cúm gồm hai chủng cúm A (H1N1), A(H3N2) và hai chủng cúm B (Yamagata và Victoria) thường gây ra dịch hoặc đại dịch cũng như biến chứng nguy hiểm cho người có nguy cơ.
Người trên 65 tuổi (có hoặc không có bệnh nền) là đối tượng nguy cơ cao, được Bộ Y tế Việt Nam và WHO ưu tiên khuyến cáo tiêm vaccine cúm hàng năm. Việc chủ động phòng ngừa cúm bằng vaccine cúm là biện pháp hiệu quả giúp phòng nhiễm cúm, hạn chế nguy cơ dịch chồng dịch và thiếu hụt nguồn lực y tế như hiện nay.
Bác sĩ Phạm Đỗ Anh Thư
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM
Tiêm phòng cúm trong giai đoạn hiện tại rất quan trọng. Trẻ em, người lớn, đặc biệt là người cao tuổi và người có bệnh nền, nên đến các trung tâm tiêm chủng, trung tâm y tế dự phòng gần nhất để tiêm vaccine cúm hàng năm nhằm bảo vệ bản thân và gia đình. Để hiểu thêm về tầm quan trọng của tiêm phòng cúm, độc giả có thể truy cập: acare.abbott.vn