Có mẹ bị ung thư vú, con gái khi nào cần tầm soát?

Tú Anh

(Dân trí) - Với những phụ nữ trong gia đình có mẹ, chị em ruột bị ung thư vú, bác sĩ luôn khuyến cáo thực hiện tầm soát ung thư vú sớm hơn để kịp thời phát hiện nguy cơ.

PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai cho biết, ung thư vú là bệnh phổ biến ở nữ giới. Đến nay, khoa học vẫn chưa tìm ra căn nguyên gây ra ung thư ở mỗi người. Tuy nhiên có thể thấy nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Có mẹ bị ung thư vú, con gái khi nào cần tầm soát? - 1

"Cần nhấn mạnh rằng, không phải cứ có yếu tố nguy cơ là 100% mắc bệnh, mà người ta nhận thấy ở những người có yếu tố nguy cơ, tỉ lệ mắc bệnh cao hơn người không có các yếu tố này", PGS Phạm Cẩm Phương nhấn mạnh.

Trong các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú, người ta hay nhắc đến yếu tố di truyền. Ung thư vú có tính chất gia đình. Đó là lý do khi đi khám bệnh, bác sĩ thường hỏi trong gia đình, có mẹ, bà, dì, chị ruột... mắc ung thư vú hay không.

Nhưng cần nói rõ lại, không phải có người trong gia đình mắc bệnh là bị ung thư vú, vì thế không nên quá lo lắng khi trong gia đình có người mắc ung thư vú. Những trường hợp này nên đến bác sĩ để được hướng dẫn tầm soát, theo dõi định kỳ, có lời khuyên về tư vấn di truyền.

BS Trần Thị Phương Thảo, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, trong trường hợp tiền sử gia đình có người thân (mẹ, chị em ruột) bị ung thư vú, chị em nên tầm soát ung thư vú sớm hơn.

Nếu người thân bị ung thư vú trước 40 tuổi, nên bắt đầu chụp X-quang vú định kỳ trước 10 tuổi so với tuổi người thân bị ung thư vú.

Ví dụ, nếu người thân bị ung thư vú sau 40 tuổi hoặc bị ung thư hai bên vú, nên bắt đầu chụp X quang vú định kỳ từ 30 tuổi.

Người thân bị ung thư vú lúc 36 tuổi, tuổi cần bắt đầu chụp X-quang vú định kỳ là 26 tuổi.

Với phụ nữ trong độ tuổi từ 20 - 39 tuổi nên thực hiện tầm soát ung thư vú theo hướng dẫn sau:

- Khám lâm sàng tuyến vú tại bởi các bác sĩ chuyên khoa 3 năm/lần.

- Tự khám vú mỗi tháng sau khi sạch kinh 5 ngày.

Phụ nữ trong độ tuổi từ 40  trở lên:

     - Chụp X quang vú tầm soát định kỳ mỗi năm

     - Khám lâm sàng tuyến vú định kỳ mỗi năm bởi bác sĩ hoặc chuyên gia y tế.

     - Tự khám vú mỗi tháng.

Đối với phụ nữ có tuyến vú loại đặc, nhất là thuộc nhóm nguy cơ, nên kết hợp siêu âm vú và/hoặc MRI vú.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư vú, ngoài tiền sử gia đình, còn có các yếu tố sau:

- Dậy thì sớm (trước 13 tuổi)

- Mãn kinh trễ (sau 55 tuổi)

- Không có con hoặc không cho con bú

- Có con lần đầu muộn (sau 30 tuổi)

- Béo phì sau mãn kinh