1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Có gì tại ngân hàng huyết thanh sức chứa 450.000 mẫu vừa hoạt động ở TPHCM?

Hoàng Lê

(Dân trí) - Ngân hàng huyết thanh vừa chính thức vào hoạt động tại TPHCM có sức chứa lưu trữ 400.000-450.000 mẫu huyết thanh, được ứng dụng để đánh giá tình trạng miễn dịch Covid-19, sởi, tay chân miệng.

Sáng 17/8, Ngân hàng huyết thanh (NHHT) của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đã chính thức đi vào hoạt động.

NHHT được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất hiện đại, gồm 5 tủ âm sâu (-80 độ C), 3 máy ly tâm lạnh cùng các trang thiết bị khác, cũng như đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng cho công tác thu nhận, xử lý, lưu trữ và phân phối mẫu, nhất là đảm bảo an toàn trong suốt quá trình vận hành.

Có gì tại ngân hàng huyết thanh sức chứa 450.000 mẫu vừa hoạt động ở TPHCM? - 1

Ngân hàng huyết thanh vừa ra mắt của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (Ảnh: PA).

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC cho biết, NHHT là đơn vị tổ chức thu thập, bảo quản và cung cấp các nguồn mẫu để thực hiện xét nghiệm, phục vụ công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm với 4 mục tiêu chính.

Thứ nhất, dự đoán dịch hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch. Thứ hai, đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng. Thứ ba, đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp. Thứ tư, khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh.

Để thực hiện được các mục tiêu nêu trên, HCDC sẽ xây dựng kế hoạch thu thập mẫu định kỳ cho Ngân hàng, có bộ quy trình bảo quản, truy xuất và sử dụng các mẫu phục vụ cho các mục tiêu khác nhau của kiểm soát dịch bệnh.

Bên cạnh đó, HCDC cũng xây dựng các mô hình phân tích dữ liệu, đưa ra những định hướng cho những quyết định y tế công cộng.

Có gì tại ngân hàng huyết thanh sức chứa 450.000 mẫu vừa hoạt động ở TPHCM? - 2

Ngân hàng huyết thanh của HCDC được trang bị 5 tủ âm sâu (Ảnh: PA).

Hiện nay, NHHT được đưa vào hoạt động với sức chứa lưu trữ 400.000-450.000 mẫu huyết thanh. Dự kiến trong giai đoạn 2024-2030, NHHT sẽ được HCDC đầu tư mở rộng, xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng thêm dung lượng lưu trữ mẫu.

Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, trong quá trình xây dựng, vận hành thử nghiệm, NHHT đã được ứng dụng trong đánh giá tình trạng miễn dịch với Covid-19.

Cụ thể, các mẫu bệnh phẩm sau khi xét nghiệm tại những bệnh viện ở TPHCM đã được HCDC thu thập để xét nghiệm tìm kháng thể kháng SARS-CoV-2. Tổng số mẫu thực hiện nghiên cứu là 2.555 mẫu.

Kết quả của 3 lần khảo sát cho thấy, hầu hết người dân TPHCM ở cả 4 khu vực địa lý đều đã có kháng thể kháng SARS-CoV-2, do nhiễm tự nhiên hoặc do tiêm vaccine. Tất cả các nhóm tuổi đều có kháng thể kháng SARS-CoV-2 với tỷ lệ trên 70%.

Có gì tại ngân hàng huyết thanh sức chứa 450.000 mẫu vừa hoạt động ở TPHCM? - 3

Ngân hàng huyết thanh của HCDC hiện có thể lưu trữ 400.000-450.000 mẫu huyết thanh (Ảnh: PA).

"Việc thu thập các mẫu huyết thanh còn lại sau xét nghiệm từ các bệnh viện để thực hiện tiếp các xét nghiệm phục vụ giám sát bệnh truyền nhiễm là tiền đề xây dựng và phát triển NHHT của HCDC" - ông Tâm cho biết.

Sau khi NHHT hoạt động, trước mắt, HCDC sẽ khai thác nguồn mẫu từ đây để đánh giá miễn dịch đối với bệnh sởi, tay chân miệng, qua đó dự báo nguy cơ dịch tại địa phương.

Phó Giáo sư Lê Văn Tấn, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam (OUCRU) cho biết, từ lâu các nước trên thế giới đã tiến hành xây dựng NHHT. Như tại Anh, NHHT được thành lập năm 1986, đến nay đã thu nhận trên 200.000 mẫu huyết thanh từ người dân Anh ở các độ tuổi khác nhau.

Tại Việt Nam, một số NHHT đã được thành lập thông qua chương trình nghiên cứu điều tra dịch tễ của Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng như Viện Pasteur TPHCM. Trọng tâm của các chương trình giám sát này có thể kể đến như HIV, Zika virus, viêm gan siêu vi B và C, cúm A H5N1. 

Từ năm 2009 đến nay, chương trình nghiên cứu OUCRU hợp tác với Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TPHCM đã tiến hành xây dựng NHHT có tính đại diện cao đối với người dân ở tất cả các độ tuổi khác nhau trên cả nước.

Hiện nay, NHHT của OUCRU đã mở rộng ra 20 điểm thu mẫu trên cả nước, với tần suất thu mẫu mỗi 4 tháng một lần. Có thể kể đến đó là việc điều tra huyết thanh về bệnh uốn ván, bệnh sởi, chikungunya và gần nhất là dịch Covid-19.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm