1. Dòng sự kiện:
  2. Dịch cúm đầu năm 2025

Cô gái "bốc cháy", bỏng nặng ở tiệc sinh nhật: Tiết lộ hiểm họa về bóng bay

Hoàng Lê

(Dân trí) - Theo bác sĩ, để tiết kiệm giá thành, một số nơi đã bơm khí hydro vào bong bóng thay vì loại khí an toàn khác, dẫn đến nguy cơ xảy ra các vụ tai nạn phát nổ nguy hiểm.

Mới đây, tài khoản mạng xã hội có tên G.P. đã đăng tải đoạn clip cùng các hình ảnh liên quan về vụ tai nạn nổ bóng bay gây bỏng nặng của chính bản thân, để cảnh báo cộng đồng.

Theo miêu tả của người đăng các hình ảnh ghi lại từ clip, trong buổi tiệc sinh nhật, chị G.P. ôm bánh kem vui vẻ chuẩn bị thổi nến, trong khi tay còn lại cầm quả bóng bay. Trong khoảnh khắc quả bóng chạm vào ngọn nến, vụ nổ bất ngờ xảy ra, làm lửa phựt lên, khiến nhiều vị trí trên cơ thể nạn nhân bị cháy.

Hậu quả, chị G.P. phải đi điều trị trong tình trạng toàn bộ khuôn mặt và một phần cánh tay bị bỏng nặng, băng bó kín. Gần một tuần sau tai nạn, bệnh nhân đã bình tĩnh hơn, nhưng vẫn phải can thiệp y tế.

Cô gái bốc cháy, bỏng nặng ở tiệc sinh nhật: Tiết lộ hiểm họa về bóng bay - 1

Bóng bay phát nổ trong buổi tiệc sinh nhật khiến nạn nhân bỏng nặng (Ảnh: G.P.).

"Trong quả bóng nén khí rất lớn, nên khi gặp lửa phát nổ rất to. Mọi người xem chi tiết sẽ biết, lửa cao lên hẳn trần nhà, cháy luôn cả dàn bóng hơi thường. Nếu là bóng khí Hydro nữa, chắc hỏa hoạn to cháy cả nhà hàng mất", tài khoản G.P. nhận định.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Đinh Phương Đông, khoa Bỏng và Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Trưng Vương (TPHCM), cho biết về nguyên tắc, các bong bóng bay được bơm bằng các khí nhẹ hơn không khí của môi trường bình thường.

Theo quy định, người ta sẽ sử dụng khí heli để bơm vào bóng. Đây là một loại khí trơ không tác dụng với oxy trong không khí, nên sẽ không gây ra cháy nổ.

Tuy nhiên, vì giá thành của Heli cao, một số nơi đã chọn cách bơm vào bong bóng khí hydro - loại khí dễ cháy khi tiếp xúc với không khí (chứa oxy) và môi trường có nguồn nhiệt độ cao hoặc tia lửa. Do đó, hiện nay vẫn thường xảy ra những trường hợp tai nạn vì nổ bong bóng.

Cô gái bốc cháy, bỏng nặng ở tiệc sinh nhật: Tiết lộ hiểm họa về bóng bay - 2

Vụ tai nạn là lời cảnh báo khi sử dụng bóng bay (Ảnh: G.P.).

Bác sĩ Đông phân tích, bỏng do cháy nổ khí hydro về bản chất là bỏng lửa do nhiệt độ cao. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể chấn thương các cơ quan khác, do sóng xung kích từ vụ nổ.

Vì nhiệt độ từ vụ cháy cao và quả cầu lửa lan tỏa rộng, nên dù thời gian tiếp xúc với lửa ngắn, vẫn có thể gây bỏng sâu với diện tích bỏng lớn cho nạn nhân. Đặc biệt, những trường hợp bén lửa gây cháy áo quần, có thể gây bỏng nặng nề hơn.

Nếu không may gặp nạn, việc biết sơ cứu bỏng đúng cách để giảm mức độ nặng và di chứng của bỏng về sau rất quan trọng.

Cụ thể, khi bị bỏng, cần sơ cấp cứu nạn nhân ngay bằng cách tưới rửa vết bỏng với nước mát từ vòi sen 15-20 phút, tuyệt đối không xối rửa bằng nước đá lạnh vì có thể tiếp tục gây bỏng lạnh. Sau đó, nạn nhân cần được đưa đến cơ sở y tế có chuyên khoa bỏng, để được thăm khám và điều trị.

Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên mua bóng bay từ cơ sở kinh doanh uy tín, biết rõ nguồn gốc khí trong bóng bay, để tránh xảy ra các tai nạn đáng tiếc.