Có cần thiết phải uống sữa theo giới tính?
Bé Tony 6 tuổi hét toáng lên khi thấy mẹ pha sữa: “Con không uống sữa này nữa. Mấy bạn nói, uống sữa này mai mốt con sẽ giống con gái. Mẹ mua sữa con trai cho con uống...”. Mẹ Tony ngạc nhiên nhưng chiều con nên cũng ra cửa hàng tìm “sữa dành cho con trai”.
Sữa bé trai khác sữa bé gái?
Thứ mà Tony đòi là sữa dành cho trẻ trai của công ty L. Hơn một tiếng đồng hồ đứng ở tiệm để đọc các thành phần trên nhiều loại sữa, mẹ Tony thấy: sữa dành cho trẻ gái và trai đều có chứa choline, taurine, tryptophan, DHA, sắt, folic acid, lysine, calcium, vitamin D, FOS và Inulin...
Sự khác biệt được nhà sản xuất giới thiệu là sữa dành cho bé trai có bổ sung thêm MCT. Giải thích về tác dụng của chất này, BS Đ.T.H, người đại diện cho nhãn hiệu sữa dành cho bé trai, bảo: “Đó là chuỗi chất béo trung bình, giúp trẻ hấp thu năng lượng nhanh sau những hoạt động thể lực mạnh mẽ”.
Đúng tên tiếng Anh của loại chất béo này là medium-chain triglyceride, loại chất béo có cấu trúc hoá học không bình thường cho phép cơ thể hấp thu chúng dễ dàng. Hầu hết các chất béo phân rã trong ruột và được tạo thành một hình thức chuyên biệt khác để có thể được đưa vào máu. Còn MCT được hấp thu trọn vẹn và chuyển thẳng đến gan để tạo năng lượng giống y như cách của các chất bột đường.
MCT chủ yếu được thêm vào các loại sữa dùng cho người bệnh, người già ăn uống kém, nhất là người mắc bệnh Aids. Các nhà tiếp thị thường gọi là sữa năng lượng cao. MCT thường được các vận động viên sử dụng như là một chất giúp tạo thành tích, nhưng bằng chứng không có mấy. Sữa bé trai theo chiều hướng này... chưa có chứng cứ thuyết phục.
BS dinh dưỡng Đào Thị Yến Phi nói: “Nhu cầu dinh dưỡng cho bé dựa vào 2 yếu tố quan trọng là độ tuổi và ký lô cân nặng, khi bé lớn có thể tính thêm mức độ hiếu động của bé. Trẻ em hoàn toàn không có khác biệt dinh dưỡng giữa trai và gái. Ở khoảng 10 - 13 tuổi, các yếu tố về sinh dục mới xuất hiện và lúc đó mới có sự phát triển khác biệt, cũng như nhu cầu dinh dưỡng có thể khác nhau giữa bé trai và bé gái”.
TS Nguyễn Phương Dung, giảng viên đại học Y dược cho biết: “Tố chất nam và nữ quy định bởi nội tiết tố chưa thể hiện rõ khi trẻ em chưa đến tuổi dậy thì và nếu từ 4 tuổi trở lên đã bắt đầu quan tâm đến sự khác biệt này, bắt đầu từ dinh dưỡng là quá sớm và chưa cần thiết”.
Có sự khác biệt giữa các dòng sữa cao cấp - bình dân?
Giám đốc thương hiệu của công ty sữa hàng đầu Việt Nam cho biết: “tất cả các loại sữa đều làm từ sữa bò, nguyên liệu nhập đa phần từ New Zealand, Úc. Sữa cùng nhóm thường không có sự khác biệt nhiều (ngoại trừ một số loại chuyên dành cho trẻ bị bệnh hay bị dị ứng với thành phần lactose...) Chính thương hiệu và các hình thức tiếp thị tạo nên sự khác biệt về giá và tạo nên tâm lý tiêu dùng hàng cao cấp, đặc biệt...”
Theo giám đốc này, nhiều loại sữa tách béo hoặc sữa gầy đã tách bơ có giá đắt hơn nhờ đánh trúng tâm lý người mua. Còn nhà sản xuất thu lợi 2 lần: từ việc bán chất béo tách trong sữa và bán “xác sữa”.
DS T.H, đang làm việc cho hãng sữa có giá mắc đứng hàng thứ 2 trên thị trường Việt Nam hiện nay, giải thích: “Cùng thương hiệu, nhà sản xuất vẫn tung ra 2 - 3 loại khác nhau ở thành phần bổ sung chất vi lượng, giá chênh nhau 10 - 30%, thực tế trẻ có hấp thu được và các chất này có còn nguyên vẹn hàm lượng như ghi trên vỏ hộp trong quá trình tồn trữ, bảo quản, pha chế hay không chưa được đảm bảo. Phụ huynh đã cho con uống thuốc bổ thường xuyên, lại dùng thêm sữa bổ sung nguyên tố vi lượng là không cần thiết”.
Theo Công Khanh - Minh Thành
Sài Gòn tiếp thị