CMU - Mô hình quản lý bệnh COPD và hen hiệu quả

(Dân trí) - Trong bối cảnh hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) phổ biến ở Việt Nam, Đơn vị Quản lý bệnh phổi mãn tính tại BV Phổi TƯ (CMU) đã trở thành cầu nối, cung cấp dịch vụ y tế khép kín cho người bệnh, góp phần giảm tải bệnh viện.

 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

 

 

Gánh nặng bệnh Hen, COPD

 

Hen và COPD là những bệnh phổi mạn tính rất phổ biến hiện nay bởi sự gia tăng của ô nhiễm môi trường, chất thải công nghiệp, nhiễm trùng (vi rus), nấm mốc, lông thú, sử dụng thuốc và hóa chất tùy tiện, nhịp sống căng thẳng nhiều stress và cả khí hậu cũng ngày càng khắc nghiệt.

 

Một thực tế đáng báo động hiện nay là bệnh thực tiễn kiểm soát Hen, COPD ở nước ta vẫn ở một mức rất khiêm tốn. Nguyên nhân chính là do các cơ sở y tế hiện mới chỉ quan tâm đến điều trị đợt cấp, không quản lý lâu dài, không có kết nối nội trú và ngoại trú. Người bệnh không được tư vấn đầy đủ, cũng như không có nơi sinh hoạt cho họ để chia sẻ kinh nghiệm, tháo giỡ các thắc mắc...

 

Hậu quả là gánh nặng về chăm sóc y tế do Hen, COPD đang ngày càng trở nên là một thách thức lớn cho cả người bệnh và hệ thống y tế với chi phí khám điều trị cho người bệnh  phụ thuộc chủ yếu vào quản lý dự phòng, tránh các đợt cấp phải vào viện, chi phí nằm viện sẽ chiếm trên 70% chi phí tổng thể cho điều trị, trong đó các chi phí gián tiếp cũng chiếm một phần không nhỏ so với thu nhập bình quân của người dân hiện nay.

 

Tiếp cận mới trong quản lý và điều trị bệnh

 

Về mặt y học đã có hàng loạt công trình nghiên cứu lớn trên thế giới chứng minh hiệu quả của việc quản lý điều trị Hen và COPD và thực tế cho thấy chỉ bằng các hoạt động thiết thực như cung cấp kiến thức, kỹ năng thực hành quản lý và điều trị hẹn, COPD cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân trở thành “thầy thuốc của chính mình” sẽ thu hút người bệnh tham gia, từ đó mới có thể hoàn thành được mục tiêu 50% bệnh nhân tham gia vào dự án phòng chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản đã đề ra.

 

Theo đó, bên cạnh việc điều trị bệnh, nhu cầu được quản lý Hen và COPD của người bệnh sau khi điều trị tại bệnh là rất lớn và việc quản lý  này lại cần được thực hiện tại cộng đồng, gần các cơ sở y tế.

 

Với trách nhiệm của Bệnh viện đầu ngành, Bệnh viện Phổi Trung ương đã có những giải pháp thực tiễn để xây dựng một hệ thống quản lý Hen/COPD toàn diện từ trung ương đến tuyến cơ sở như Đơn vị Quản lý bệnh phổi mãn tính (Chronic pulmonary disease Management Unit - CMU) và CLB “Giữ cho lá phổi khỏe mạnh”.

 

Trong đó, “đơn vị quản lí bệnh phổi mạn tính (Chronic pulmonary disease Management Unit - CMU)”, là mô hình khá độc lập kết nối điều trị nội trú với ngoại trú của người bệnh Hen, COPD, cung cấp dịch vụ khép kín từ tư vấn, quản lý điều trị và phục hồi chức năng hô hấp (PHCNHH), dự phòng đợt cấp. Tại đây người bệnh được tư vấn đầy đủ, được quản lý lâu dài và được sinh hoạt tại Câu lạc bộ để chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp các thông tin cần thiết.

 

Th.S Nguyễn Thị Phương Anh, Phó trưởng Khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi T.Ư cho biết: Hiện nay, CMU đã quản lý ngoại trú được gần tám nghìn người bệnh hen và COPD (mỗi người bệnh được cấp mã số cụ thể), chất lượng khám, điều trị, kê đơn đã đạt được các chuẩn quốc tế. Điều đáng mừng, hiện nay đối với Hen, có đến 80% người mắc bệnh hen được kiểm soát tốt, với số điểm ACT từ 20 đến 25 điểm. Đối với, COPD có 100% người bệnh bớt lo lắng về bệnh tật, có 80% người bệnh giảm thiểu và biết cách phòng tráng các yếu tố nguy cơ, phòng tránh đợt cấp, 80% người bệnh cai được thuốc lá, 70% người bệnh hiểu được diễn biến bệnh và sự cần thiết quản lý tại CMU và 60% người bệnh hiểu được vai trò của PHCNHH trong điều trị tổng thể bệnh. Đồng thời, khi người bệnh được quản lý tại CMU sẽ được chẩn đoán nhanh, giảm thời gian chờ đợi và chi phí về kinh tế do có được các thông tin tại hồ sơ theo dõi.

 

Về CLB “Giữ cho lá phổi khỏe mạnh”, tThành phần tham gia là người bệnh, người nhà người bệnh, cán bộ y tế và người dân tình nguyện trên địa bàn TP Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Tính đến nay, câu lạc bộ đã 6.500 hội viên sinh hoạt trong câu lạc bộ và câu lạc bộ duy trì sinh hoạt thường xuyên theo lịch cố định vào sáng thứ bảy tuần đâu tiên của tháng tại bệnh viện.

 

“Hiện nay 100% hội viên biết phòng tránh các yếu tố nguy cơ, biết phối hợp tốt với thầy thuốc và biết xử trí các tình huống tại nhà; 100% hội viên câu lạc bộ đều hài lòng về nội dung và kĩ năng tư vấn; 70% hội viên không phải sử dụng các dịch vụ y tế trong năm. Đối với hen 85% hội viên được kiểm soát hen hoàn toàn. COPD 100% hội viên hiểu được diễn tiến bệnh lý, có được tinh thần phấn chấn và tham gia tích cực các sinh hoạt cộng đồng; 100% có được chất lượng cuộc sống tốt”, ThS. Nguyễn Thị Phương Anh cho biết thêm.

 

Nhằm duy trì, phát huy những kết quả bước đầu đã đạt được trong điều trị bệnh Hen và COPD thời gian tới, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung cho rằng: Trước tiên, yếu tố con người sẽ có vai trò quyết định, các bác sỹ, kỹ thuật viên, điều dưỡng phải được đào tạo đúng theo chức năng, nhiệm vụ của từng vị tri. Đội ngũ không cần đông nhưng phải tinh thông về kỹ thuật, làm việc nhịp nhàng, thể hiện tính chuyên nghiệp.

 

Tiếp tục thực hiện nguyên tắc phải lấy người bệnh làm trung tâm chẩn đoán sớm và xử trí sớm từ triệu chứng ban đầu đã giúp người bệnh điều trị tại nhà, tại cơ sở, có chất lượng điều trị đạt chuẩn, không lạm dụng kháng sinh và các thuốc khác, qua đó giúp giảm chi phí tối đa cho người bệnh và gia đình.

 

Cần mở rộng mô hình CMU tại các địa phương, đó là giải pháp thực hành, mang lại lợi ích rất lớn đối với người bệnh và cả với chính hệ thống y tế, là biện pháp hữu hiệu và bền vững để chống quá tải bệnh viện hiện nay. Đồng thời, tăng cường truyền thông giáo dục về bệnh hen, COPD thông qua các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng để hướng tới mục tiêu người bệnh hen, COPD có thể kiểm soát tại cộng đồng với chi phí hợp lý, giảm tử vong, cũng như giảm các gánh nặng kinh tế - xã hội khác.

 

Nhân Hà