Bạc Liêu:

Chuyện về máy siêu âm xách tay "có một không hai" của ngành y tế huyện Hồng Dân

(Dân trí) - Có một câu chuyện rất đậm đà tình nghĩa mà có lẽ ít người biết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã dành cho ngành y tế huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu)- địa phương mà ông từng là người đứng đầu Đảng bộ.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời từng có một thời gian làm Bí thư huyện ủy Hồng Dân, sau đó là Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu giai đoạn khoảng từ năm 1953 đến khoảng cuối năm 1954.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu qua các thời kỳ, trong đó có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ngoài cùng, hàng trên).
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu qua các thời kỳ, trong đó có cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (ngoài cùng, hàng trên).

Một thời gian hoạt động ở vùng đất căn cứ cách mạng, ông Võ Văn Kiệt thấu hiểu được sự khó khăn, gian khổ của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây. Có một câu chuyện rất đậm đà tình nghĩa mà có lẽ ít người biết về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành cho địa phương mà mình từng là người đứng đầu Đảng bộ.

Ông Phạm Văn Tùng (Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Bạc Liêu) cho biết, ông từng tham gia Đội bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Đoàn công tác của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi về thăm huyện Hồng Dân vào khoảng năm 1995.
Ông Phạm Văn Tùng (Trưởng Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Bạc Liêu) cho biết, ông từng tham gia Đội bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Đoàn công tác của Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi về thăm huyện Hồng Dân vào khoảng năm 1995.

Ông Phạm Văn Tùng (trước đây là Giám đốc Bệnh viện huyện Hồng Dân, hiện nay là Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu) kể lại: Vào năm 1995, lúc đó ông Võ Văn Kiệt đang là Thủ tướng Chính phủ. Nhân chuyến công tác về tỉnh Bạc Liêu, ông Kiệt quyết định trở về thăm lại huyện Hồng Dân, địa phương mà ông từng gắn bó thời chiến. Khi làm việc với Đảng bộ huyện, một trong những lĩnh vực mà ông Kiệt quan tâm là ngành y tế.

Theo ông Tùng, qua báo cáo thực tế lúc đó cho thấy ngành y tế của huyện cơ sở vật chất còn ọp ẹp, trang thiết bị chưa có gì, máy móc chưa hiện đại như bây giờ. Sau khi nghe báo cáo xong, ông Võ Văn Kiệt hứa sẽ xây cho Trung tâm Y tế huyện một Khoa cấp cứu và tặng một máy siêu âm.

Không bao lâu sau chuyến thăm nói trên, Trung tâm Y tế huyện Hồng Dân đã nhận được những gì mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã hứa tặng. “Lúc đó, Trung tâm nhận được 500 triệu đồng xây Khoa hồi sức cấp cứu với một dãy nhà ít nhất 10 căn và một máy siêu âm xách tay trắng đen để về phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân”, ông Tùng nhớ lại.

Máy siêu âm xách tay mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tặng cho Bệnh viện huyện Hồng Dân cách đây hơn 20 năm.
Máy siêu âm xách tay mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã tặng cho Bệnh viện huyện Hồng Dân cách đây hơn 20 năm.

Theo ông Phạm Văn Tùng, máy siêu âm xách tay này thuộc dạng một trong những máy hiện đại của y khoa bậc nhất thời đó. Nguồn gốc máy siêu âm này là trong một chuyến đi công tác bên Nhật Bản, Chính phủ Nhật Bản đã tặng để phục vụ sức khỏe riêng cá nhân cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Vì nặng tình nghĩa với nhân dân huyện Hồng Dân, nơi từng cưu mang đùm bọc thời chiến tranh, do đó Thủ tướng mới tặng lại cho địa phương.

“Nhận được máy siêu âm mà Thủ tướng Võ Văn Kiệt tặng, anh em rất hồ hởi. Chúng tôi đã cử một bác sĩ đi học siêu âm, về bắt tay làm việc ngay. Máy này họat động rất hiệu quả, đã góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân địa phương trong một thời gian tương đối dài”, ông Tùng khẳng định.

Sau khoảng 5 năm, Trung tâm Y tế huyện được đầu tư một máy siêu âm mới. Lúc này, lãnh đạo Trung tâm mới điều máy siêu âm xách tay về Phòng khám khu vực đa khoa Ngan Dừa. “Khoảng năm 2001, vì có trang bị thêm máy siêu âm màu hiện đại hơn, nên máy siêu âm xách tay ngưng sử dụng và được đưa vào lưu giữ tại Phòng truyền thống của Trung tâm Y tế để bảo vệ di vật của Thủ tướng”, ông Tùng nhớ lại.

Báu vật địa phương, từ chối đưa về quê hương Thủ tướng

Ông Phạm Văn Tùng cho biết, khoảng năm 2005, tỉnh Vĩnh Long (quê hương của Thủ tướng Võ Văn Kiệt) có kế hoạch xây dựng Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt, mới tìm xuống Bạc Liêu đặt vấn đề xin máy siêu âm nói trên về cho Khu lưu niệm ở Vĩnh Long.

“Máy siêu âm xách tay mà bác Sáu Dân tặng đối với chúng tôi đã thuộc về báu vật ở đây rồi, nên không thể nào đưa lại cho các anh được”, ông Tùng kể lại quyết định của mình.

Không chỉ vậy, sau đó, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị đưa máy siêu âm xách tay về Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu. “Chúng tôi tiếp tục không cho mà quyết giữ lại máy siêu âm để giáo dục truyền thống cho cán bộ, nhân viên của bệnh viện.

Cho tới khoảng năm 2013-2014, Tỉnh ủy Bạc Liêu mới yêu cầu đưa máy siêu âm về Khu căn cứ Tỉnh ủy cũng nằm trong địa bàn huyện Hồng Dân cho đến giờ”, ông Phạm Văn Tùng nói về hành trình chiếc máy siêu âm đặc biệt này.

Bệnh viện huyện Hồng Dân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Bệnh viện huyện Hồng Dân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Đánh giá về hiệu quả máy siêu âm mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời đã tặng cho địa phương, ông Phạm Văn Tùng khẳng định, thời đó gần như ở tuyến huyện, Hồng Dân là một trong số ít địa phương có máy siêu âm, đã phục vụ rất nhiều trong công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

“Bởi lúc đó, hầu như y bác sĩ chỉ chẩn đoán bằng kinh nghiệm là nhiều, với những dấu hiệu như có khối u, đau ruột thừa,… thì thường phải chuyển lên tuyến trên. Khi có máy siêu âm xách tay này, việc chẩn đoán hình ảnh tốt hơn và mình có thể xử lý bệnh ngay tại chỗ nên hiệu quả lắm”, ông Tùng quả quyết.

Từ nghĩa cử cao đẹp mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã dành cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hồng Dân, ngành y tế nơi đây đã trải qua những thời kỳ khó khăn và từng bước đạt được kết quả rất tốt trong công tác khám, chữa bệnh không chỉ cho người dân trong huyện mà còn ngoài địa bàn. Với thành tích đó, Bệnh viện huyện Hồng Dân đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Với người dân huyện Hồng Dân nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ thời chiến tranh mà còn cả thời bình. “Sinh ra rở Vĩnh Long, lớn lên ở Bạc Liêu và xem Bạc Liêu như là quê hương thứ 2 của mình”, ông Nguyễn Trung Kiên, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Minh Hải cho biết bác Sáu Dân từng nói như thế lúc sinh thời.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm