1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Chuyện lạ” 20 điểm đã đỗ y dược

(Dân trí) - Trước sự việc Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD – ĐT) cấp mã ngành đào tạo y dược cho các trường tư thục , nhiều bác sĩ đang làm lâm sàng tại các BV, đồng thời làm giáo viên giảng dạy tại Đại học Y Hà Nội bày tỏ không đồng tình với việc mở rộng đào tạo y dược bừa bãi. Bởi đây là ngành đặc thù liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Bộ Y tế kiến nghị hậu kiểm cấp phép đào tạo mã ngành y dược?

Theo ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) việc Bộ GD – ĐT cấp mã ngành đào tạo y dược cho trường Đại học Kinh doanh và công nghệ là hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Bộ GD – ĐT. “Dù được mời tham gia đoàn kiểm định và chỉ ra các chỉ tiêu còn thiếu để mở mã ngành này, nhưng sau đó, Bộ Y tế không nhận được bất cứ thông báo nào về việc trường đã khắc phục các chỉ tiêu này trước khi Bộ GD – ĐT cho phép mở mã ngành”, ông Lợi khẳng định.


Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế). Ảnh: H.Hải

Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế). Ảnh: H.Hải

Theo đó, tại thời điểm kiểm tra, đội ngũ giảng viên cơ hữu chuyên ngành, theo danh sách trường có 47 người nhưng 30 người chưa có cam kết tham gia. Về cơ sở thực tập tại trường cần sắp xếp lại các phòng thực hành, thực tập, tiền lâm sàng hợp lý. Về cơ sở thực hành ngoài trường cần bổ sung hợp đồng trách nhiệm của cơ sở thực hành ngoài trường trong đó nêu rõ sự tham gia làm việc và giảng dạy của giảng viên cơ hữu chuyên ngành tại các cơ sở thực hành ngoài trường…

“Việc cấp mã ngành là thẩm quyền của Bộ GD – ĐT. Cơ quan này không thông báo cũng không sai, nhưng để trọn vẹn nhất thì nên có có thông tin với Bộ Y tế về việc khắc phục các tiêu chí trước khi cho trường này mở ngành đào tạo sẽ đầy đủ hơn”.

Trước câu hỏi Bộ Y tế có kiến nghị đi kiểm tra lại để đánh giá họ đã đạt các tiêu chí?, ông Lợi cho rằng điều này không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. “Bộ GD - ĐT đã thông tin như thế mình cũng phải có niềm tin. Nhưng thực ra mà nói, để kiểm định lại xem đạt tiêu chuẩn chưa sẽ khách quan hơn. Nếu trong quy trình thì đương nhiên Bộ Y tế phải được quyền kiến nghị. Nhưng quy trình đó chưa được ban hành chính thức nên chiếu văn bản hiện hành thì Bộ GD - ĐT làm đúng nên cũng không thể nói Bộ GD phải báo cáo để Bộ y tế kiểm tra lại”, ông Lợi bày tỏ.

Bác sĩ “kêu trời” vì thông thoáng trong đào tạo y dược

Trên nhiều diễn đàn y học, nhiều bác sĩ “kêu trời” về quyết định có phần thoáng của Bộ GD – ĐT. Một bác sĩ BV Bạch Mai bày tỏ, đặc thù của ngành y là thao tác trên người bệnh, thực hành trên người bệnh. Vì thế phải có cơ chế để Bộ Y tế kiểm chặt chất lượng đầu vào, đầu ra của ngành y. Bởi nếu đào tạo ra một đội ngũ các y bác sĩ mà thực hành, tay nghề, chất lượng không đảm bảo, khi điều trị cho người bệnh, xảy ra những sự cố thì ai là người chịu trách nhiệm? Chưa kể, đội ngũ đào tạo không đạt chất lượng sẽ trực tiếp gây ảnh hưởng đến uy tín của ngành y tế. Bộ Y tế chịu trách nhiệm chăm lo sức khỏe người dân, vì thế Bộ Y tế phải có trách nhiệm liên quan đến tuyển dụng trong ngành y.


Nhiều người lo ngại chất lượng đầu vào, đầu ra của sinh viên y dược tại các trường dân lập. Trong ảnh, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết trực tiếp chỉ đạo cấp cứu một ca cấp cứu nghiêm trọng do tai nạn giao thông. Ảnh: H.Hải

Nhiều người lo ngại chất lượng đầu vào, đầu ra của sinh viên y dược tại các trường dân lập. Trong ảnh, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết trực tiếp chỉ đạo cấp cứu một ca cấp cứu nghiêm trọng do tai nạn giao thông. Ảnh: H.Hải

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức cũng bày tỏ, đào tạo nhân lực ngành y không giống những ngành khác, đào tạo ngành y phải có những cơ sở đào tạo chuẩn mực; Đào tạo ngành y phải có những người thầy mẫu mực; Đào tạo ngành y phải kết hợp rất chặt chẽ giữa lâm sàng và lý thuyết.

Nhiều người đặt câu hỏi, với một đội ngũ bác sĩ đào tạo tại trường Đại học kinh doanh công nghệ đào tạo bác sĩ, bác sĩ ra làm gì? Nhất là với điểm đầu vào ngành y rất quan trọng để tuyển được những người giỏi nhất thì ngay từ đầu vào trường này đã có số điểm gây sốc, khi đưa ra số điểm 20 cho 3 môn là có thể đỗ ngành y. Trong khi đó, điểm chuẩn đỗ y đa khoa Đại học Y Hà Nội năm 2014 là 26,5 và năm 2015 là 27,5 điểm.

Gửi comment đến báo Dân trí một bạn đọc chua xót chia sẻ: “Năm nay tôi thi 27 điểm không đỗ ngành y đa khoa (điểm đỗ là 27,75) phải từ bỏ ngành nghề mình yêu thích để học ngành khách và vẫn cắm đầu vào ôn thi để mong cơ hội “phục thù”. Năm tới thi y mà trượt, với điểm số của mình tôi lại lọt top điểm cao (thậm chí thủ khoa) của trường Kinh doanh và công nghệ. Nhưng tôi chỉ thi Đại học Y Hà Nội, một lần nữa không đỗ đành chấp nhận mình không có duyên với nghề, chứ tôi cũng không muốn xếp vào nhóm sinh viên y dược 20 điểm đã trúng tuyển. Tôi sợ khi ra trường, bệnh nhân cũng không tin tưởng mình điều trị".

Một bác sĩ, giảng viên chuyên ngành giải phẫu chia sẻ, với sinh viên học y, việc tiếp xúc với bộ môn giải phẫu là vô cùng quan trọng. Ngay tại đại học Y Hà Nội, mỗi năm khoảng 1000 sinh viên thực hành trên 2 cái xác. Tuy là ít ỏi nhưng đây là phương tiện hết sức cần thiết để sinh viên y học về giải phẫu cơ thể một cách thực tế, chứ không phải học trên mô hình.

Cùng quan điểm này, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam bày tỏ: “Ngành y có điều đặc biệt, gắn với sự sống và sự chết. Sinh viên y phải được đào tạo để biết cấu tạo cơ thể con người. Nếu như sinh viên chỉ tiếp xúc với các mô hình giảng dạy bằng học cụ nhân tạo mà không tiếp xúc với bệnh nhân, với xác bệnh nhân, tham gia vào những cuộc khám nghiệm tử thi thì khó lòng có được cái tâm do những người thầy vĩ đại nhất của sinh viên y khoa - đó là những bệnh nhân đã dạy họ. Vì vậy, quan điểm cá nhân tôi cần khuyến khích việc đào tạo nhưng đào tạo y cần phải được xem xét một cách cẩn thận”.

Một giảng viên về tim mạch cũng lo ngại về chất lượng đào tạo y dược tại các trường dân lập bởi mặt bằng đầu vào thấp hơn hẳn cho với các trường Đại học Y Hà Nội, Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh…Vì họ không đủ cơ sở vật chất, nhân lực để đào tạo với ngành đặc thù liên quan đến con người. Về mặt tổ chức điều hành, sinh viên y đặc thù học đi đôi với hành, một nửa buổi ở trường, một nửa buổi ở bệnh viện, đêm còn đi trực. Ở các trường dân lập có đủ điều kiện để rèn giũa các em như thế không?

“Hơn nữa, các bệnh viện chấp nhận bằng cấp như thế nào. Cuối cùng người được đào tạo ra làm ở đâu? Như tại BV Việt Đức truyền thống bao năm nay chỉ tuyển bác sĩ nội trú. Sinh viên tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội khá giỏi mà không trúng tuyển bác sĩ nội trú để đào tạo thêm 3 năm nữa cũng không được tuyển. Họ tuyển chọn đội ngũ bác sĩ tinh nhuệ nhất, vậy với các trường đào tạo mà ngay từ đầu mặt bằng đầu vào đã thấp, ra trường các em sẽ làm ở đâu?”, bác sĩ này nói.

Theo PGS Quyết, dù được đào tạo bài bản như đại học y, 6 năm bác sĩ đa khoa, 9 năm bác sĩ nội trú, sau 6 năm ra trường bác sĩ cũng mới chỉ thực hiện được một số thao tác khám chữa bệnh ban đầu chứ chưa thể chịu trách nhiệm khám, điều trị chính mà phải tiếp tục quá trình học hỏi trong quá trình làm việc.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường, việc kiểm nghiệm sắp tới sẽ được siết chặt. Tới đây Bộ Y tế và Bộ GĐ- ĐT sẽ tăng cường hậu kiểm các trường công lập và tư thục đang được đào tạo ngành y – dược. Cơ sở nào không đáp ứng các yêu cầu, điều kiện Bộ Y tế sẽ kiến nghị cho ngừng tuyển sinh. Tôi tin Bộ GD – ĐT cũng ủng hộ phương án này. Nếu trường nào không ổn, không đạt các tiêu chí trong đào tạo phải đóng của là hoàn toàn bình thường. Bởi nhân lực ngành y đào tạo mà ấm ớ thì chết dân.

Hơn nữa, Bộ Y tế cũng đề xuất thi chứng chỉ hành nghề có thời hạn cho bác sĩ. Nếu bác sĩ ra trường mà thi chứng chỉ hành nghề không đỗ, cầm tấm bằng đại học cũng sẽ không được hành nghề.

Hồng Hải