Chuyên gia dinh dưỡng chỉ sai lầm khi cho trẻ ăn uống "đồ mát"

(Dân trí) - Một trong những suy nghĩ phổ biến của cha mẹ là trời nóng, đến mình còn không muốn ăn, nói gì đến trẻ. Vậy nên thấy gì dễ ăn, dễ uống, dân gian bảo mát... là cho trẻ ăn cùng.

Chia sẻ trên 1 diễn đàn, nick Me Tim cầu cứu: “Thời tiết nắng nóng, bé nhà mình lười ăn quá, dỗ kiểu gì cũng không chịu há miệng cho mẹ. Mình đang rất stress và cảm thấy bât lực vì không cho con ăn được. Mấy ngày không ăn đủ bữa đã gầy tọp đi rùi, sốt ruột quá. ”.

Nick me meo con đồng tình: “Con nhà mình cũng không chịu ăn, mỗi lần chỉ được vài miếng rùi là đòi uống nước, nước thì uống bao nhiêu cũng không đủ. Tối không ăn cháo, ko uống sữa đi ngủ mà đêm cũng uống nhiều nước kia”.

Ngay lập tức, các mẹ nhận được những lời khuyên như: “Ngày xưa e thấy mấy thìm toàn nấu chè bột sắn và chè đậu đen cho con ăn.. nghe nói ăn mấy cái đó tốt và mát…”.


Phòng khám của Viện Dinh dưỡng những ngày đầu hè (Ảnh: Trần Phương)

Phòng khám của Viện Dinh dưỡng những ngày đầu hè (Ảnh: Trần Phương)

Ăn nhiều đậu đỗ, bột sắn

Theo chuyên gia dinh dưỡng Bích Nga, nguyên tắc chung là đừng giảm năng lượng nếu trẻ đang thiếu năng lượng, dù là mùa hè. Bởi thực tế cho thấy, hiện khẩu phần ăn của trẻ em Việt Nam từ 2-5 tuổi dù đã đáp ứng đước 95% nhu cầu năng lượng, nhưng mới đáp ứng được 57% nhu cầu sắt và 65% nhu cầu vitamin A, 30% nhu cầu kẽm.

Nguyên nhân bởi thực đơn cho trẻ vẫn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các thức ăn động vật là nguồn cung cấp các vi chất dinh dưỡng có giá trị sinh học cao. Hậu quả là trẻ hay bị nhiễm trùng tái phát nhiều lần, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, nôn trớ, rối loạn giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, hay khóc về đêm...

Theo TS. BS Phan Bích Nga, GĐ Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng-Viện Dinh dưỡng, số trẻ đến khám ở viện tăng vọt ngay từ đầu hè, lo lắng chủ yếu của cha mẹ là con biếng ăn, lười ăn, không tăng cân...

BS Bích Nga đã chỉ ra một trong những sai lầm thường gặp của phụ huynh trong ngày nóng là cho con ăn khoai lang, ngô, bột sắn… hay cho các loại đậu đỗ, hạt sen… vào món ăn thay vì ăn bột, cháo vì nghĩ trẻ giống mình. Trong khi trẻ nhỏ dưới 2 tuổi đang phát triển mạnh về chiều cao, cân nặng nên cần ăn uống đủ chất hơn thế.

Bởi bột, cháo nấu cho trẻ thông thường luôn đủ 4 nhóm chất (đạm, protein, lipit, vitamin) trong khi các loại khoai, sắn… lại có nhiều thành phần kém hấp thu vi chất còn các loại hạt (đỗ, sen…) cho vào cháo cũng gây lâu tiêu, ít năng lượng khiến trẻ chậm lớn.

Tuy nhiên, thay vì nấu cháo đặc như mọi khi, có thể cho trẻ ăn dạng súp, nước nhưng không nên loãng quá vì không đủ dinh dưỡng.

Nếu trẻ sợ ăn cháo thì nên thay đổi các loại súp (khoai tây thịt bò xay, bún phở) hoặc cho trẻ ăn riêng từng món thay vì ăn hỗn hợp. BS Bích Nga giải thích: “Nhiều trẻ 13-14 tháng tuổi khỏe mạnh nhưng biếng ăn vì ngày nào cũng ăn 1 bát “thập cẩm” các loại”.

BS Bích Nga khuyên, dù nóng cũng nên sử dụng gạo, khoai tây để bổ sung năng lượng cho trẻ; các bữa ăn cần đa dạng thực phẩm và không thể thiếu sữa.


TS.BS Phan Bích Nga đang khám cho bệnh nhi (Ảnh do BS cung cấp)

TS.BS Phan Bích Nga đang khám cho bệnh nhi (Ảnh do BS cung cấp)

Uống nhiều nước lá

Về đồ uống, nhiều gia đình đun nước đỗ đen, râu ngô, nhân trần… để người lớn, trẻ con uống cả ngày.

Theo BS Bích Nga, không nên cho trẻ uống các loại nước ít năng lượng này.

“Các loại nước lá lẩu đông y không có năng lượng và rất dễ gây suy dinh dưỡng. Các sách y văn nước ngoài đều khuyến nghị nguy cơ năng lượng suy kiệt vì suốt ngày chỉ uống thứ nước đó, đặc biệt là ở các nước phát triển”, BS Bích Nga giải thích.

Chưa kể, các loại nước lá đông y có thành phần ôxy hóa khử, trẻ nhỏ chưa có vấn đề về gan thì không cần uống. Còn những trẻ có bố mẹ tiền sử viêm gan, trẻ hay uống thuốc… thì có thể cho trẻ uống chút thay nước.

TS. Bích Nga khuyến nghị, để đảm bảo đủ nước cho trẻ trong mùa nóng, nên tăng cường rau củ, trái cây tươi, nước quả tươi để bù đắp nước mất qua mồ hôi.

Nếu trẻ quá nhiều mồ hôi có thể bổ sung thêm orezol (pha như hướng dẫn và cho trẻ uống theo nhu cầu và 1 gói chỉ uống trong 24 giờ)

Đặc biệt, trước quan niệm cho trẻ uống sữa hạt (sữa đậu nành, sữa ngô…) tốt hơn sữa động vật, rồi sữa tươi mát hơn sữa bột, nhất là vào mùa nóng, BS Bích Nga chỉ ra: thực ra sữa chỉ liên quan với dinh dưỡng.

BS Bích Nga cho biết: “Quan điểm dinh dưỡng vềsữa hạt là sai lầm vì sữa động vật có rất nhiều axit amin, tốt cho não… Trẻ đủ cân uống sữa tươi; trẻ thiếu cân mới dùng sữa bột”.

Trần Phương