Chuyên gia chỉ ra những sai lầm thường gặp khi ăn lẩu
(Dân trí) - Sau nhiều ngày Tết, để chống ngán nhiều gia đình chọn ăn lẩu. Vậy ăn lẩu như thế nào để an toàn cho sức khỏe?
Lẩu là món ăn được kết hợp từ nhiều loại nguyên liệu như thịt, rau, hải sản, đậu, xúc xích, nước dùng… nên lượng calo trong món ăn này bằng tổng calo trong tất cả các nguyên liệu cộng lại. Theo các chuyên gia, năng lượng trong một nồi lẩu cơ bản truyền thống là 900-1.500kcal.
Những lưu ý khi ăn lẩu
- Phải ăn chín uống sôi
TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết trên thực tế, nhiều người có thói quen vừa cho đồ ăn vào nồi lẩu đã gắp ra, trong khi đó thức ăn mới chín được một nửa. Như vậy, thức ăn sẽ không tiêu diệt hết ký sinh trùng có thể khiến người ăn bị tiêu chảy.
- Không nên ăn khi vừa mới gắp ra vì ăn nóng có thể gây bỏng niêm mạc miệng và họng.
Nhiệt độ của nồi lẩu đang sôi trên bếp có thể tới mức hơn 100 độ C. Do đó, các loại thực phẩm lấy ra từ nồi lẩu rất nóng. Nếu ăn ngay sẽ khiến lớp da mỏng trong miệng bị tổn thương. Không những thế, lớp màng nhầy trong dạ dày bị ảnh hưởng bởi cách ăn này dẫn tới gây viêm loét dạ dày. Vì vậy, nên để cho thực phẩm nguội bớt rồi mới ăn.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, ngày càng có nhiều nghiên cứu chứng minh rằng việc dùng đồ ăn nóng và căn bệnh ung thư vùng miệng, ung thư đường ruột là có liên quan với nhau.
Đó chính là bởi vì vách ngăn đường ruột tương đối mỏng, thường chỉ có thể chịu được nhiệt độ thức ăn từ 50 đến 60 độ C. Vượt qua ngưỡng nhiệt độ này thì vách ngăn này sẽ bị tổn thương.
Khi nhiệt độ của thức ăn lên tới khoảng 70 đến 80 độ C, đặc biệt là khi chúng ta uống trà, nhiệt độ này có thể lên tới 90 độ C sẽ gây tổn thương nặng nề cho đường ruột.
- Không ăn quá mặn vì ăn quá mặn sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe đặc biệt là đối với những người bị huyết áp cao.
Ăn thừa muối là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, tăng nguy cơ gây ung thư dạ dày, suy thận…
Ăn lẩu đúng cách
Theo BS Sơn, để đảm bảo sức khỏe nên ăn rau trước và sau cùng là thịt. Như vậy, dạ dày không phải làm việc quá tải. Trong quá trình ăn lẩu cũng nên uống nước để giúp tiêu hóa thức ăn được nhanh hơn.
Mọi người cũng nên ăn nhiều rau xanh. Rau xanh sẽ làm món lẩu thêm phong phú, còn giúp giải độc, làm mát cơ thể và hấp thụ các chất béo tốt hơn. Lá rau có chứa các vitamin và chất khoáng tốt cho sức khỏe.
"Mỗi bữa ăn chỉ nên kéo dài không quá 45 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Vì khi kéo dài thời gian ăn uống, hệ tiêu hóa sẽ phải làm việc vất vả hơn gây quá tải từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe", BS Sơn cho biết.
Ngoài ra, bạn chỉ nên sử dụng khoảng 100g thịt bò, có thể thêm cá tuyết và đậu phụ bổ sung vào món lẩu để có thêm protein từ nguồn nạc hơn. Hoặc bạn có thể làm nước dùng tự chế bao gồm thịt gà và rau thơm được đun sôi trong thời gian dài với lượng calo tối thiểu do không sử dụng dầu.
Sử dụng nước chấm làm từ đậu nành, trộn với hành lá và ớt để tăng thêm hương vị cho nước chấm ít calo.