1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Chuyên gia cảnh báo sai lầm thường gặp làm mất cơ hội cứu người đuối nước

(Dân trí) - Đa số nạn nhân đuối nước khi đưa lên bờ đều đã ngừng thở, nếu không cấp cứu thổi ngạt, ép tim ngay mà lại dốc ngược nạn nhân lên, vác lên vai chạy vòng vòng với mong muốn nước ào ra… không có giá trị cấp cứu, thậm chí mất đi cơ hội cứu nạn trong gang tấc.

TS Lương Quốc Chính, khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, khi được cứu lên bờ, điều đầu tiên phải quan sát xem nạn nhân còn thở hay không. Nếu còn thở phải đặt nạn nhân ở tư thế an toàn, theo dõi sát nhịp thở, gọi hỗ trợ, gọi cấp cứu tới.

Thổi ngạt 5 lần, ép tim 30 lần là cách sơ cứu ngừng tuần hoàn tốt nhất cho người đuối nước đã ngừng thở. Ảnh: H.Hải
Thổi ngạt 5 lần, ép tim 30 lần là cách sơ cứu ngừng tuần hoàn tốt nhất cho người đuối nước đã ngừng thở. Ảnh: H.Hải

Nếu nạn nhân không đáp ứng hoặc không thở, đầu tiên cần thực hiện thổi ngạt 5 lần cho nạn nhân trước khi tiến hành hồi sinh tim phổi. Sau khi thực hiện xong 5 lần thổi ngạt thì bắt đầu tiến hành hồi sinh tim phổi: cứ 30 lần ép ngực thì thực hiện 2 lần thổi ngạt.

Việc này cần lặp lại liên tục cho tới khi nạn nhân thở lại, hoặc bạn/người cứu hộ đã quá kiệt sức để tiếp tục.

Hãy đặt hai tay chèn lên nhau, mu phần cổ tay ép giữa hai ngực, thẳng tay, dùng sức toàn bộ cơ thể để ép tim liên tục 30 cái. Nếu chỉ dùng lực của tay để ép tim thì không có nhiều giá trị.


Hãy đặt hai tay chèn lên nhau, mu phần cổ tay ép giữa hai ngực, thẳng tay, dùng sức toàn bộ cơ thể để ép tim liên tục 30 cái. Ảnh: H.Hải

Hãy đặt hai tay chèn lên nhau, mu phần cổ tay ép giữa hai ngực, thẳng tay, dùng sức toàn bộ cơ thể để ép tim liên tục 30 cái. Ảnh: H.Hải

TS Lương Quốc Chính hướng dẫn cách thổi ngạt, ép tim cho nạn nhân đuối nước.

Trong trường hợp sau khi hồi sức, nạn nhân hồi tỉnh được, động chân tay, tái lập tuần hoàn phải tìm cách sưởi ấm, ủ ấm cho nạn nhân. Bởi bệnh nhân đuối nước có nguy cơ hạ thân nhiệt, nếu không kiểm soát được sẽ đẩy nạn nhân vào tình huống nguy hiểm, như tim ngừng đập…

“Ủ ấm bệnh nhân bằng áo chăn, đặt nằm nghiêng ở tư thế an toàn, theo dõi sát nhịp thở, nhịp tim cho tới khi có hỗ trợ y tế tới. Nếu làm đúng hướng dẫn tư thế nằm nghiêng an toàn dưới đây, dù nạn nhân có nặng đến mấy, người cứu nạn có gầy yếu hơn vẫn có thể lật nghiêng nạn nhân sau khi sơ cứu”, TS Chính nói.

Tư thế nằm nghiêng an toàn cho bệnh nhân đuối nước.

Thêm một lưu ý TS Chính cảnh báo cộng đồng về việc truyền miệng nhau cách cứu đuối nước, đó là khi vớt nạn nhân lên bờ là cầm chân dốc ngược chạy vòng quanh để hi vọng tống nước ra ngoài.

“Đây là cách sơ cứu không đúng. Nguyên tắc cơ bản nhất với cấp cứu đuối nước là ngay sau khi đưa lên bờ phải thực hiện các biện pháp cấp cứu trên. Việc dốc ngược nạn nhân chạy để dốc nước ra ngoài không mang lại giá trị. Trong khi bệnh nhân không được hỗ trợ hô hấp, tuần hoàn trong thời gian dài, lúc này quay lại ép tim cũng quá muộn”, TS Chính cảnh báo.

TS Chính cũng lưu ý thêm khi gặp người đuối nước, muốn cứu nạn được bạn phải biết bơi đã mới nên nghĩ đến nhảy xuống cứu. Không biết bơi không được phép nhảy xuống mà hãy hô hoán, kêu gọi hỗ trợ, tìm các vật dụng dây, phao, vật nổi, que khều… bệnh nhân.

Còn khi xảy ra đuối nước ở khu vực nước sâu, xoáy, chảy siết, ngay cả khi biết bơi cũng không nên nhảy xuống bởi cũng có nguy cơ đuối nước.

Trong trường hợp không còn cách nào khác, bắt buộc phải nhảy xuống cứu người phải đảm bảo bạn biết bơi tốt, tiếp cận nạn nhân từ phía sau, tránh bị người đang đuối nước hoảng loạn “ôm chầm” lấy sẽ khiến người cứu hộ không thể bơi, cả hai đều sẽ bị chìm xuống.

Có thể túm cổ áo nạn nhân, túi tóc kéo vào. Ở vùng nước sâu, xa, bơi dìu thì phải ôm nạn nhân từ phía sau, bơi ngửa dìu nạn nhân vào bờ.

“Nạn nhân đuối nước lên bờ phần lớn đã ngừng tim ngừng thở, vì thế sơ cứu tại hiện trường rất quan trọng, quyết định đến việc cứu sống bệnh nhân hay không. Còn trong trường hợp bệnh nhân vẫn thở, hoặc các tình huống đuối nước hụt, hít phải nước trong quá trình tắm, đùa nghịch dưới nước cần đến bác sĩ khám, phòng nguy cơ đuối nước thứ phát, trong phổi tồn đọng nước gây tổn thương phổi nguy hiểm”, TS Chính khuyến cáo.

Hồng Hải