Làm gì khi thấy người đuối nước?

(Dân trí) - Sự việc 5 người tử vong trong một vụ đuối nước vừa xảy ra tại Hà Nội, trong đó có 2 người lớn nhảy xuống cứu 3 cháu bé  đặt cho chúng ta câu hỏi phải ứng xử như thế nào trong trường hợp phát hiện người đuối nước?  ứng xử đúng có thể cứu được nạn nhân, vừa bảo vệ mình không gặp nguy hiểm.

Dấu hiệu nhận biết người đuối nước

Sự việc xảy ra chiều 2/7, 8 học sinh là người của làng Sở Hạ, xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội ra ao nước nằm cạnh nhà thờ Sở Hạ tắm và tập bơi.

Khi đang bơi đã xảy ra sự cố, một số em học sinh chạy lên bờ kêu cứu vì có học sinh đuối nước.

Khi phát hiện nhóm trẻ kêu cứu, hai người lớn là anh Đặng Văn Điều (32 tuổi) và Đặng Văn Trình (37 tuổi) đã lao xuống cứu, nhưng bị đuối nước, tử vong tại chỗ.

Ba học sinh còn lại được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu gồm Nguyễn Bảo Hưng (13 tuổi); Đặng Thế Anh (13 tuổi), Đặng Tuấn Vũ (14 tuổi) nhưng tất cả đều đã không qua khỏi.

TS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) cho biết, năm nào dịp hè các ca cấp cứu đuối nước cũng tăng cao. Trong đó, có những trường hợp không thể qua khỏi vì đuối nước quá lâu.

Dấu hiệu cho thấy một người đang bị đuối nước.
Dấu hiệu cho thấy một người đang bị đuối nước.

Trong khi đó, để nhận biết một người đuối nước không phải là dễ, ngay cả trong trường hợp có người lớn, người thân xung quanh, chỉ sơ sểnh một chút không quan sát cũng có thể gây những sự cố nguy hiểm vì đuối nước.

Khi nạn nhân đang bị đuối nước, có thể họ không kêu cứu một cách kích động hoặc té nước… mà hầu hết mọi người vẫn kỳ vọng như khi xem thấy trên vô tuyến. Nếu nạn nhân đang thực sự bị đuối nước, họ sẽ không thể tạo ra bất cứ tiếng động nào, do vậy mọi người xung quanh rất dễ bỏ qua, thậm chí ngay cả khi có bạn bè và gia đình đang ở gần.

Thực tế, đã có rất nhiều ca đuối nước xảy ra trong tình huống tương tự. VĐuối nước là khi nạn nhân không thể thở được vì mũi và miệng của họ chìm trong nước hoặc bất cứ chất lỏng nào khác

Cứu nạn nhân đuối nước như thế nào?

Thấy một người bị đuối nước, có thể bạn sẽ không ngại ngần lao xuống để cứu nạn nhân. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho rằng người lao xuống cứu nạn nhân cần phải có kỹ năng để vừa cứu được người đuối nước, vừa bảo vệ được mình không xảy sự việc đau lòng như 5 trường hợp trên.

PGS Dũng chia sẻ, ông đọc được tài liệu nhiều tài liệu cứu hộ nạn nhân đuối nước. Đầu tiên, nếu phát hiện nạn nhân đuối nước, hãy kêu cứu để có nhiều người cùng tham gia cứu hộ.

Nên tiếp cận nạn nhân đuối nước từ phía sau.
Nên tiếp cận nạn nhân đuối nước từ phía sau.

Tiếp đó, hãy cố gắng tìm một vật nổi được có thể làm phao. Trong trường hợp không thể có phao, hãy bơi về phía nạn nhân nhưng phải quan sát kỹ để tiếp cận nạn nhân từ phía sau. Bởi nạn nhân đuối nước thường hoảng loạn có thể ôm chặt hoặc túm chân tay khiến người cứu hộ không thể bơi được khiến cả người đuối nước, người cứu nạn đều đuối sức chìm xuống rất nguy hiểm.

Tiếp đó, nắm vai và khóa tay nạn nhân ra phía sau để giúp nạn nhân ngửa mặt lên trên và không thể tóm chặt lấy người cứu hộ. Nếu có phao, hãy gối đầu nạn nhân lên phao và di chuyển vào bờ, không có phao cũng cần di chuyển vào bờ nhanh chóng.

Còn theo Hội hoàng gia về phòng chống tai nạn RoSPA, nếu bạn phải thực hiện một nỗ lực cứu hộ, cần nghĩ về sự an toàn của riêng bạn đầu tiên và không bao giờ đặt mình vào nguy hiểm. Nếu cứu hộ quá nguy hiểm, chờ cho đến khi dịch vụ cấp cứu đến.

Người cứu hộ có thể dùng thanh dài, khăn quàng cổ, sợi dây, quần áo hoặc bất cứ thứ gì khác có độ dài, bạn hãy nép sát xuống hoặc nằm xuống, quăng dây để người đang đuối nước nắm vào. Hãy nhớ bạn cần nằm sát xuống để tránh bị lôi xuống nước.

Có thể dò độ sâu với một cây gậy dài trước khi lội ra và sau đó sử dụng cây gậy để cho nạn nhân nắm. Giữ tay hay dây với người khác hoặc móc vào vật gì đó chắc chắn trên

Tuy nhiên, một sợi dây là tốt nhất - bạn có thể kéo người đó. Nếu không ném cái gì đó sẽ nổi - một quả bóng, một chai nhựa, hay bất kỳ vật dụng nổi nào khác. Điều này sẽ giúp cho nạn nhân không chìm cho đến khi có cứu hộ chuyên nghiệp hơn.

Theo BS Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu (BV Nhiệt đới Trung ương), ngay sau khi đưa được đầu nạn nhân khỏi mặt nước, hãy đánh giá tri giác nạn nhân. Nếu nạn nhân mất tri giác thì ngay khi đưa được nạn nhân lên bờ hay lên thuyền, phải nhanh chóng tiến hành hồi sinh tim phổi (ép tim ngoài lồng ngực).

Nếu có người hỗ trợ tì kiểm tra đường thở, móc đờm dãi dị vật khỏi miệng nạn nhân và hà hơi thổi ngạt song song với động tác ép tim ngoài lồng ngực đến khi có sự trợ giúp hoặc nạn nhân đã được tái lập tuần hoàn (đã có đáp ứng) hoặc bạn/người cứu hộ đã quá kiệt sức để tiếp tục.

"Nếu nạn nhân bắt đầu thở trở lại tại bất cứ thời điểm nào, tiến hành xử trí tình trạng hạ thân nhiệt bằng cách bao phủ lên người nạn nhân bằng áo và chăn ấm. Nếu nạn nhân hồi phục hoàn toàn, thay quần áo ướt bằng quần áo khô cho họ. Tiếp tục kiểm tra hô hấp, mạch và mức độ ý thức cho tới khi có sự trợ giúp tới", TS Chính cho biết.

Hồng Hải