Chuyên gia: Cần có cách đánh giá cấp độ dịch mới, Hà Nội là "vùng xanh"
(Dân trí) - Theo chuyên gia, việc áp dụng các biện pháp chống dịch dựa trên cấp độ "xanh - vàng - cam - đỏ" và chia theo địa giới hành chính không còn phát huy nhiều tác dụng.
Đánh giá cấp độ dịch dựa trên số F0 không còn phù hợp
Ngày 9/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch; chỉ đạo việc sử dụng thuốc điều trị Covid-19 bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Về vấn đề này, theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch cần sớm được thay đổi để phù hợp với chiến lược "thích ứng Covid-19".
Thay vì chú trọng vào tỷ lệ ca mắc Covid-19 so với dân số, theo PGS Nga, nên đánh giá cấp độ dịch tập trung vào các tiêu chí: tỷ lệ số ca tử vong, số ca nặng; tỷ lệ tiêm chủng vaccine Covid-19 và năng lực đáp ứng y tế.
Nếu đánh giá cấp độ dịch theo các tiêu chí kể trên, theo PGS Nga, Hà Nội cũng sẽ là "vùng xanh" tương tự như TPHCM.
"Số ca tử vong của Hà Nội so với số ca nhiễm là rất thấp. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 của Hà Nội lại rất cao và đang tiến hành tiêm cả mũi bổ sung, đồng thời năng lực y tế của Hà Nội tốt", PGS Nga phân tích.
Ông nhận định, việc F0 ghi nhận mới của Hà Nội tăng cao không quá đáng ngại. Một phần nguyên nhân F0 tăng cao là vì Thủ đô đẩy mạnh công tác xét nghiệm, bên cạnh đó Hà Nội cũng sử dụng kết quả test nhanh để khẳng định F0. Phần lớn F0 ghi nhận mới không có triệu chứng/triệu chứng nhẹ.
Trước đó, trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội nhận định, với diễn biến dịch tại Hà Nội, hiện không còn quá quan trọng số lượng bệnh nhân mắc mới.
Theo vị này, vấn đề mấu chốt là tập trung thực hiện tốt việc thu dung, điều trị cho bệnh nhân có nguy cơ, để giảm ca bệnh diễn biến nặng và ca tử vong.
Hà Nội nên mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ
Dịch vụ ăn uống tại chỗ sẽ phải tạm dừng tại các địa bàn chuyển màu thành "vùng cam". Mỗi một tuần, cấp độ dịch của các quận huyện tại Hà Nội sẽ được cập nhật một lần. Tuy nhiên, biện pháp này đang làm nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.
Trước hết phải kể tình trạng cấm "vùng cam", người dân lại dồn sang các "vùng vàng" để ăn uống. Cùng với đó, các hộ kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn vì luôn trong tình trạng thấp thỏm "mở rồi lại đóng".
Theo nhiều chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, việc áp dụng các biện pháp chống dịch dựa trên cấp độ "xanh - vàng - cam - đỏ" và chia theo địa giới hành chính không còn phát huy tác dụng.
PGS Nga nhận định, Hà Nội nên sớm mở lại các hoạt động ăn uống tại chỗ vì nguy cơ lây nhiễm thấp.
"Việc lây nhiễm Covid-19 chủ yếu xảy ra trong nhà, nơi cách ly tập trung hoặc trong công sở không gian đóng kín. Trong khi đó, các hoạt động ăn uống tại chỗ khi đã ngồi giãn cách 50%, khách hàng hầu như không tiếp xúc gần với người lạ nên rất khó lây", PGS Nga phân tích.
Theo chuyên gia này, người dân thường đi ăn cùng bạn bè và người nhà. Nếu không cùng đi ăn uống, họ cũng sẽ gặp gỡ và có thể lây bệnh cho nhau từ các hoạt động đó (nếu có F0).
Điều quan trọng, theo chuyên gia này, là nhà hàng phải thực hiện tốt các quy định về giãn cách, 5K, đặc biệt là nhân viên bán hàng. Bên cạnh đó, nhà hàng cần được vệ sinh và thông khí tốt sẽ giúp hạn chế lây nhiễm.
Nhiều ngày gần đây, F0 mới của Hà Nội đang tiến sát mốc 3.000 ca. Tính từ ngày 29/4 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 91.370 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 (không tính ca nhập cảnh và ca ghi nhận tại các bệnh viện trước ngày 30/9).
Riêng trong giai đoạn thực hiện chiến lược thích ứng Covid-19 (từ 11/10), Thủ đô đã ghi nhận 87.332 ca Covid-19.