Chứng táo bón ở trẻ
Táo bón là một bệnh thường gặp ở trẻ, thường xảy ra do chế độ ăn của trẻ không chứa đủ chất xơ và nước, hoặc có thể do một nhân tố nào đó trong môi trường trẻ đang sống.
Trẻ được xem là bị táo bón khi đi tiêu dưới 3 lần/1 tuần, phân rắn, khô và to bất thường hoặc khi trẻ đi tiêu rất khó khăn.
Táo bón thường không gây lo lắng, nó có thể ngăn ngừa và trong hầu hết trường hợp có thể được điều trị bằng chế độ ăn lành mạnh và thói quen vận động.
Nguyên nhân gây táo bón
Chứng táo bón ở trẻ trong độ tuổi đi học thường do chế độ ăn không đủ nước và chất xơ. Những trẻ ăn chế độ ăn đặc biệt với thức ăn nhanh - giàu chất béo (thịt rán, sữa trứng khuấy sẵn) và đường (kẹo, nước ngọt nhiều đường) có thể bị táo bón thường xuyên hơn.
Đôi khi các loại thuốc như thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc dùng trị chứng thiếu sắt có thể gây táo bón.
Ở trẻ nhỏ, táo bón có thể xảy ra khi chúng chuyển hoá từ sữa mẹ sang công thức cho trẻ, hoặc từ thức ăn cho trẻ nhỏ sang thức ăn đặc.
Stress cũng có thể dẫn tới táo bón. Trẻ có thể bị táo bón khi chúng lo lắng về điều gì đó, chẳng hạn như khi trẻ bắt đầu đi học ở trường mới hoặc khi trẻ gặp vấn đề gì đó ở nhà. Hãy tìm hiểu những dấu hiệu xáo trộn tinh thần có thể ảnh hưởng đến chức năng đường ruột và có thể gây táo bón cũng như các bệnh khác như tiêu chảy.
Trẻ lười đi vệ sinh, thậm chí ngay cả khi trẻ có “nhu cầu”. Tuy nhiên đây lại là một nguyên nhân ít được để ý đến. Chúng ta nên biết trẻ chưa ý thức được các vấn đề sức khoẻ như người lớn, mặt khác trẻ lại rất ham chơi nên sẽ sẵn sàng “quên” chuyện đi vệ sinh để được tiếp tục trò vui của mình. Vì vậy hãy tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh vào một giờ nhất định trong ngày, vừa tránh nguy cơ trẻ “nhịn” quá lâu gây táo bón vừa là thói quen có lợi cho sức khoẻ.
Một số trẻ bị táo bón còn do một căn bệnh được gọi là hội chứng ruột kích thích (IBS), có thể xảy ra khi trẻ bị stress hoặc khi trẻ ăn phải thức ăn nào đó, thường là thức ăn quá nhiều béo hoặc gia vị. Trẻ bị IBS có thể bị táo bón hoặc tiêu chảy cũng như bị đau bao tử và no hơi.
Trong vài trường hợp hiếm hoi, táo bón là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó, vì vậy cần đưa trẻ đến bác sĩ để thăm khám nếu trẻ tiếp tục có các vấn đề khác hoặc khi táo bón kéo dài 2-3 tuần.
Phòng ngừa chứng táo bón ở trẻ
- Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ chất xơ và nước.
- Lưu ý những xáo trộn tinh thần của trẻ để kịp thời giúp trẻ giải toả không gây ra stress.
- Tập thói quen đi vệ sinh hàng ngày cho trẻ...
Theo T.VY
Tuổi trẻ/KidsHealth