Chứng ngưng thở khi ngủ và cách xử lý

(Dân trí) - Nếu bạn không biết chắc mình có bị mất ngủ không, nhưng lại thường xuyên thức dậy vào buổi sáng với cảm giác không sảng khoái, hoặc cảm thấy kiệt sức trong ngày, thì chứng ngưng thở khi ngủ có thể là nguyên nhân.

Ngưng thở khi ngủ là gì?

Đó là một tình trạng rất phổ biến ảnh hưởng đến khoảng 1/4 số người lớn, trong đó các mô của đường hô hấp trên và vòm miệng mềm sập xuống khi bạn ngủ, làm tắc một phần hoặc hoàn toàn nguồn cung cấp không khí. Mọi người thường nghĩ rằng ngưng thở khi ngủ là kiểu của ngáy ngủ, nhưng trên thực tế, nó hoàn toàn khác về mặt sinh lý.

Hầu hết chúng ta sẽ đôi lần trải nghiệm tình trạng này - có lẽ thường xuyên hơn nhiều so với chúng ta nhận ra - thường là khi bị cảm lạnh hoặc uống quá nhiều. Rượu, thuốc lá và thậm chí một số thuốc ngủ có thể làm cho mọi việc tồi tệ hơn.

Mặc dù hầu hết mọi người cho rằng ngưng thở khi ngủ chủ yếu xảy ra ở nam giới, và thường nặng lên khi có tuổi do cơ bị nhão, song tình trạng này cũng có thể ảnh hưởng đến phụ nữ, và ở mọi lứa tuổi.

Ở cả hai giới, bệnh sẽ nặng hơn khi tăng cân, gây nhiều áp lực hơn trên đường thờ. Những thay đổi nội tiết của mãn kinh cũng làm cho phụ nữ dễ bị hơn.

Chứng ngưng thở khi ngủ và cách xử lý - 1

Cũng giống như ngáy ngủ, hiếm khi bạn nhận ra nó ở chính mình - nhưng đó là sự giống nhau duy nhất. Ngưng thở khi ngủ thường diễn ra theo mô hình thở nông kèm theo ngáy to, tiếp đó, ở một số trường hợp, là một khoảng ngừng thở ngắn khi đường thở bị bít tắc.

Sau vài giây, nồng độ CO2 trong máu bắt đầu tăng lên và oxy giảm xuống. Rất may, sự mất cân bằng hóa chất này gây nên một phản ứng sinh tồn tự nhiên trong đó cơ hoành và cơ ngực truyền tín hiệu đến não để thức dậy.

Sự tăng vọt adrenaline được giải phóng và tim đập một nhịp thật mạnh để đánh thức bạn, nhờ đó làm căng các cơ ở vòm miệng mềm và mở lại đường thở. Kết quả sẽ là một tiếng khịt mũi to, tiếng thở hổn hển hoặc nấc nghẹn khi bạn lấy lại hơi thở.

Nếu bị ngưng thở khi ngủ, bạn có thể thậm chí không nhận thức được những lần thức giấc bất ngờ này, nhưng chúng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ - và sức khỏe của bạn. Ngay cả nếu bị ngưng thở 'nhẹ', bạn có thể thức dậy nhiều lần trong suốt đêm. Và các nghiên cứu đã cho thấy sự sụt giảm oxy, tiếp theo là tăng vọt adrenaline khiến tim đập mạnh, có thể khiến tim quá sức vào những giờ mà đáng lẽ nó phải được nghỉ ngơi.

Các triệu chứng khác có thể cho biết tình trạng ngưng thở bao gồm đau đầu buổi sáng, khô miệng hoặc đau họng vào buổi sáng, tăng huyết áp, tăng cân không giải thích được, và/hoặc các cơn ợ nóng.

Có thể làm gì để giảm nhẹ chứng ngưng thở khi ngủ

Không may là những triệu chứng này cũng có thể được giải thích bởi một loạt chứng bệnh khác, do đó, cần trao đổi với bác sĩ trước khi đến bất kỳ kết luận nào. Thậm chí nếu chẩn đoán được khẳng định, có lẽ bác sĩ cũng không thể giúp được gì, nhưng có thể đưa bạn vào danh sách chờ khám chuyên khoa, hoặc kê đơn thuốc xịt mũi thích hợp để sử dụng lâu dài, có thể giảm bớt nghẹt mũi và do đó khuyến khích bạn thở bằng mũi hơn là bằng miệng.

Vấn đề là đánh giá mức độ nặng của chứng ngưng thở. Nếu hiện tượng trên xảy ra dưới 5 lần trong mỗi giờ ngủ là "bình thường"; trên 5 nhưng dưới 15 lần mỗi giờ là “nhẹ”; trong khi trên 15 nhưng dưới 30 là “trung bình”.

Và với quy định ở Anh, bạn sẽ chỉ được xem xét nghiêm túc để điều trị trong hệ thống y tế công nếu tình trạng ngưng thở ảnh hưởng đến khả năng hoạt động trong ngày. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân được mang một máy thở đặc biệt (gọi là CPAP hoặc thiết bị áp lực đường thở dương liên tục) vào ban đêm.

Ngoài ra, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bài học hát có thể giúp tập các cơ ở họng (xem singingforsnorers.com về các CD). Một nghiên cứu năm 2006 cho thấy thường xuyên chơi didgeridoo cũng cải thiện triệu chứng. Những bài tập thở cũng có thể hữu ích.

Nếu bạn đang thừa cân, giảm béo có thể giúp giảm áp lực lên đường hô hấp, và trong nhiều trường hợp ngưng thở nhẹ, một dụng cụ bảo vệ miệng được thiết kế đặc biệt gọi là "dụng cụ đẩy hàm dưới” có thể đáng để thử.

Dụng cụ bảo vệ miệng này khá giống máng niềng răng, nó ốp vào răng của bạn, và bạn làm mềm chúng cho vừa bằng cách ngâm một lúc trong nước sôi.

Miếng bảo vệ được đeo vào ban đêm sẽ khiến hàm dưới hơi bị đẩy ra trước ở vị trí “móm”. Mặc dù có thể cảm thấy kỳ lạ (thậm chí đau ) lúc ban đầu, dụng cụ bảo vệ có thể giữ cho đường thở mở thông và làm giảm số lượng và mức độ nặng của các cơn ngưng thở.

Cẩm Tú

Theo DM