Chữa thủy đậu bằng dược thảo
Bệnh thủy đậu có thể điều trị bằng nhiều loại cây cỏ quen thuộc dễ kiếm như bạc hà, đậu xanh, lá dâu tằm, kinh giới, lá tre...
Thủy đậu nhẹ
Những nốt thủy đậu mọc rải rác, xung quanh màu hồng nhạt, sốt nhẹ, có khi không sốt, ho ít, nước mũi loãng trong, ăn uống bình thường.
Bài 1: Kim ngân, sài đất, kinh giới, thổ phục linh mỗi vị 15-20g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 2: Lá tre 16g, lá dâu 12g; kim ngân, rễ sậy mỗi vị 10g; cam thảo đất, cúc hoa, kinh giới mỗi vị 8g, bạc hà 6g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 3: Liên kiều, lá tre mỗi vị 8g; cát cánh, đạm đậu xị mỗi vị 4g; bạc hà, chi tử (dành dành), cam thảo mỗi vị 2g, hành tăm 2 củ. Sắc uống ngày một thang.
Bài 4: Cam thảo dây, sinh địa, kim ngân, vỏ đậu xanh mỗi vị 12g, lá tre 10g; hoàng đằng, rễ sậy mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang.
Bài 5: Mã đề 12g; hoạt thạch, liên kiều, ngưu bàng tử mỗi vị 8g; hoàng cầm, xích thược, sài hồ, chi tử, mộc thông mỗi vị 6g; phòng phong, kinh giới, cam thảo, đương quy mỗi vị 4g, thuyền thoái 2g. Sắc uống ngày một thang.
Thủy đậu nặng
Nốt đậu mọc dày, sắc tím tối, màu nước đục, xung quanh nốt thủy đậu màu đỏ sẫm, sốt cao phiền khát, mặt đỏ môi hồng, niêm mạc miệng có những nốt phỏng. Nốt phỏng rất dễ vỡ, dễ loét và dễ gây bội nhiễm.
Bài 1: Bồ công anh 16g; kim ngân, sinh địa mỗi vị 12g; liên kiều, xích thược, chi tử sao mỗi vị 8g. Sắc uống ngày một thang. Họng đau, thêm xạ can 4g, sơn đậu căn 8g. Khát nước, miệng khô, thêm qua lâu, mạch môn, sa sâm mỗi thứ 8-12g.
Bài 2: Bôi nước lá chàm hay bột chàm (thanh đại), hoặc dùng rau sam, hay lá thuốc bỏng, hoặc xuyên tâm liên, giã nát rồi chấm lên nốt phỏng.
Các loại thảo dược giúp chữa thủy đậu:
Bạc hà
Tinh dầu bạc hà và hoạt chất menthol có tác dụng sát khuẩn. Bạc hà trị ngoại cảm phong nhiệt, phát sốt, không ra mồ hôi, nhức đau, ngạt mũi, ho, viêm họng, sưng đau. Ngày dùng 4-8g dưới dạng thuốc hãm, thường phối hợp với các vị khác.
Cam thảo
Cam thảo được dùng chữa cảm, ho mất tiếng, viêm họng, ngộ độc. Ngày dùng 4-12g dưới dạng bột, thuốc hãm, thuốc sắc.
Lá dâu tằm
Chữa cảm mạo, phong nhiệt, sốt nóng, phát ban, nhức đầu, ho, viêm họng. Ngày dùng 4-12g dạng thuốc sắc.
Dành dành
Chữa sốt, bồn chồn, khó ngủ, vàng da, tiểu tiện khó. Ngày dùng 6-12g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán.
Đậu xanh
Có tác dụng chữa sốt nóng, phiền khát, các trường hợp ngộ độc. Vỏ hạt đậu xanh cũng có tác dụng giải nhiệt, tiêu độc, làm cho mắt khỏi mờ. Ngày dùng 25-50g hạt đậu xanh hoặc vỏ đậu xanh, sắc nước uống.
Sinh địa (địa hoàng)
Chữa âm hư, phát nóng về chiều, khát nước, viêm họng đau, ban chẩn, tân dịch khô. Ngày dùng 8-16g dạng thuốc sắc.
Hoàng cầm
Là thuốc an thần, hạ sốt, chống co giật, chữa sốt cao kéo dài, cảm mạo, phế nhiệt, ho, mất ngủ. Ngày uống 6-15g dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột.
Kim ngân
Là thuốc kháng khuẩn, hạ sốt và chống dị ứng. Được dùng chữa mụn nhọt, mày đay, ban sởi, ho do phế nhiệt. Ngày dùng 4-6g hoa hay 10-16g cành lá.
Kinh giới
Là thuốc kháng khuẩn và hạ sốt, dùng chữa cảm mạo, sốt, cúm, nhức đầu, hoa mắt, viêm họng, sởi. Ngày dùng 6-16g dạng thuốc sắc, hãm hoặc bột.
Liên kiều
Là thuốc kháng khuẩn, kháng virus cúm, kháng nấm, hạ sốt, chống viêm, lợi tiểu. Được dùng chữa phong nhiệt, cảm sốt, viêm đau họng, phát ban. Ngày dùng 10-30g (dùng riêng) hoặc 6-12g (phối hợp với các vị khác), dạng thuốc sắc.
Phòng phong
Có tác dụng hạ sốt, chống dị ứng. Được dùng trị ngoại cảm, nhức đầu, choáng váng. Ngày dùng 6-12g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Sài hồ bắc
Có tác dụng hạ sốt, giảm đau, an thần, chống viêm, điều hòa miễn dịch, bảo vệ gan. Được dùng chữa sốt cao, chữa những bệnh nhiễm khuẩn có sốt, điều trị sốt, đau và viêm kết hợp với cúm và cảm lạnh. Ngày dùng 10-15g, sắc uống.
Rễ sậy
Được dùng làm thuốc chữa sốt, bí tiểu tiện. Ngày dùng 10-12g, sắc uống.
Lá tre
Có tác dụng hạ sốt, lợi tiểu. Được dùng chữa cảm sốt, khát nước, ra nhiều mồ hôi, ho, trẻ em kinh phong. Ngày dùng 20g dạng thuốc sắc.
Xích thược
Được dùng làm thuốc hạ sốt, giảm đau, sắc uống.
Theo Sức khỏe & Đời sống