TPHCM:

Chưa quyết định tăng giá dịch vụ y tế, bệnh viện đã triển khai

Việc tăng giá 350 dịch vụ y tế mà Bộ Y tế đang hoàn tất dự kiến đưa ra trong thời gian tới đây nhưng ở nhiều bệnh viện công tư tại TPHCM, giá các dịch vụ cận lâm sàng đã được triển khai từ… lâu.

Chưa quyết định tăng giá dịch vụ y tế, bệnh viện đã triển khai - 1


  

Bệnh viện công tăng từ 2,5-10 lần

 

Tại BV Nhi Đồng 2, mức thu khám bệnh từ 30.000 - 60.000 đồng/lượt, BV Nhân Dân Gia Định, mức thu cho một lượt khám là 20.000 đồng, hay một BV tuyến quận, huyện là BV Đa khoa Tân Bình cũng là 20.000 đồng/lượt khám.

 

Tại BV Ung bướu TPHCM, giá thu khám dịch vụ lâu nay tại BV cũng đã là 30.000 đồng, giá một giường bệnh là 100.000 đồng/ngày.

 

Lý giải của các BV: Với mức giá này, BV mới có kinh phí đầu tư trang thiết bị và đời sống cán bộ công nhân viên mới được cải thiện.

 

Trong khi đó, theo mức giá của quy định cũ được ban hành từ năm 1995, BV hạng I chỉ được thu mỗi giường bệnh 4.000 - 18.000 đồng/ngày, BV hạng II được thu từ 2.500 - 16.000 đồng/ngày... Tiền khám là từ 2.000 – 5.000 đồng/lần

 

BV tư cũng tăng

 

Tại các cơ sở y tế tư như: Hoàn Mỹ, Medic Hòa Hảo, Vạn Hạnh... từ ngày 1.5 cũng đã tăng giá các dịch vụ. Chẳng hạn: Giá các loại CT scaner tăng bình quân 16%, trong đó giá CT điều chỉnh mới thấp nhất là CT xoang (550 ngàn đồng) và cao nhất là CT toàn thân (MSCT, khoảng 2,7 triệu đồng); X-quang thường tăng 29%; tiền giường, phòng nội trú tăng: Giường 220 ngàn tăng lên 290 ngàn đồng/người; giường 150 ngàn lên 190 ngàn đồng/người; giường 110 ngàn lên 150 ngàn đồng. Giá các loại xét nghiệm tăng bình quân từ 5-20%.

 

Giá tiền phòng tại BV Đa khoa Vạn Hạnh vừa được điều chỉnh tăng 10%, tiền khám tăng từ 60 ngàn đồng lên 70 ngàn đồng/một lần khám. BV Phụ sản quốc tế Sài Gòn cũng nâng mức giá khám bệnh từ 60 ngàn lên 80 ngàn đồng/lần khám.

 

Ngày 4/5, Sở Y tế TPHCM đã có văn bản yêu cầu các cơ sở khám - chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn không được tăng giá thu tiền dịch vụ khám - chữa bệnh, chờ cho đến khi có giá thu viện phí mới của Bộ Y tế. Tuy nhiên, BS Lê Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân, Sở Y tế TPHCM – cũng thừa nhậnpháp lệnh về giá không có quy định mức tăng phí dịch vụ cho các doanh nghiệp, chính vì thế các cơ sở y tế tư nhân có quyền tự thiết kế mức phí cho mình. Mức tăng phí do mỗi doanh nghiệp tự xây dựng có thể khác nhau, miễn họ công bố với cơ quan quản lý rồi thực hiện theo đúng giá đã công bố là hợp lý.

 

 

 

Ngoài ra, Sở Y tế sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá thu dịch vụ khám chữa bệnh trong thời gian tới. Theo văn bản trên, sở đề nghị “các cơ sở y tế chỉ định kỹ thuật dịch vụ và sử dụng thuốc hợp lý, thực hiện tiết kiệm chi (điện nước, điện thoại, xăng dầu, chi phí hội nghị, tổng kết, đi công tác...) để nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh cho người dân”. Văn bản là một chuyện, thực tế lại là một chuyện khác.

 

Luật sư Võ Vương Quân - đoàn luật sư TPHCM - cho rằng, nếu chỉ nghe các nhà quản lý BV công lập tính đúng, tính đủ thì không công bằng với bệnh nhân. Lâu nay, tiền công khám và tiền giường bệnh khi vào khám, điều trị tại các BV công cứ tưởng thấp, nhưng không thấp chút nào. Nhiều bệnh viện sử dụng cơ sở vật chất của Nhà nước để làm phòng dịch vụ thu giá cao... Những khoản này có được tính đúng, tính đủ chưa, đó là chưa kể đến kinh phí Nhà nước đầu tư hằng năm để thực hiện nhiệm vụ xã hội.    

 

Theo Võ Tuấn

Lao động