Chữa đau mắt đỏ bằng nha đam, lá trầu, diếp cá coi chừng rước họa

Nam Phương

(Dân trí) - Dịch đau mắt đỏ đang bùng phát tại nhiều địa phương như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Nam… Bác sĩ cảnh báo người dân không đắp các loại lá, tra nước cốt chanh, nước tiểu, mật gấu vào mắt để chữa bệnh.

Theo Bộ Y tế, bệnh đau mắt đỏ đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. 

Bệnh bắt đầu xuất hiện rải rác từ tháng 6 tại nhiều địa phương và kéo dài đến nay. Dịch đang ở giai đoạn đỉnh, ước tính khoảng 50% các trường hợp đi khám mắt là do bị đau mắt đỏ. 

TS.BS Đặng Xuân Nguyên, Hội Nhãn khoa Việt Nam, cho biết, bệnh đau mắt đỏ hay viêm kết mạc cấp là tình trạng viêm của kết mạc, là một lớp màng phủ ở phía trước lòng trắng và mặt sau của mi mắt. Nguyên nhân gây bệnh khá đa dạng như virus, vi khuẩn, vi nấm, dị ứng…

Trong vụ dịch năm nay, nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là Adenovirus, Coxsackievirus và Enterovirus. Mỗi loại virus có những đặc điểm riêng. Chẳng hạn, Enterovirus có thể gây bệnh khá cấp tính và diễn biến nặng, trong khi đó Adenovirus hay gây ra viêm giác mạc mạn tính…

Chữa đau mắt đỏ bằng nha đam, lá trầu, diếp cá coi chừng rước họa - 1

TS.BS Đặng Xuân Nguyên cho biết, bệnh đau mắt đỏ kéo dài 1-2 tuần tùy độc lực của tác nhân gây bệnh và phản ứng của cơ thể (Ảnh: N.P).

Nhìn chung, bệnh thường lành tính, ít gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực nhưng ảnh hưởng nhiều sinh hoạt, học tập và công việc. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể gây ra những triệu chứng nặng như xuất hiện giả mạc, trợt loét giác mạc.

Khi đó, mắt bị sưng nề hơn, cộm nhiều khiến người bệnh khó mở mắt, thậm chí chảy nước mắt màu hồng vì có lẫn máu.

"Khi lật mi lên, bác sĩ sẽ thấy xuất hiện lớp màng dày trắng ở mặt trong của mi mắt. Lớp màng này nếu để lâu sẽ dày cứng, cọ sát vào giác mạc (tròng đen), làm giác mạc bị trầy xước hoặc trợt rộng, có thể dẫn đến viêm loét giác mạc", TS Nguyên nói. 

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cảnh báo bệnh nhân cần tránh các phương pháp điều trị chưa được kiểm chứng như đắp các loại lá thuốc, xông hơi lá trầu, tra nước cốt chanh, nước tiểu, sữa mẹ, mật gấu, nha đam, thậm chí đắp thịt ếch nhái vào mắt. Nhiều trường hợp bị biến chứng nặng nề khó hồi phục.

Trong Đông y, lá trầu không có tính sát khuẩn nên có thể một vài bệnh nhân xông lá trầu không khỏi đau mắt đỏ nhưng không phải ai cũng khỏi.

"Thực tế, trên tình trạng mắt đang bị viêm, sưng nóng, đỏ, đau, việc xông nóng có thể làm quá trình viêm xảy ra nhanh hơn, mắt bị kích ứng nhiều hơn. Nhiều người sau khi xông, mắt sưng vù, đỏ, trợt loét giác mạc, bong tróc biểu mô", TS Nguyên phân tích. 

Tương tự khi đắp lá rau diếp cá, nha đam vào mắt, người bệnh có thể thấy giảm triệu chứng, tuy nhiên các loại lá này không được vô trùng, có thể dẫn đến viêm giác mạc, thậm chí bội nhiễm. Khi đó, việc điều trị cực kỳ khó khăn. 

Cũng theo TS Nguyên, đã có trường hợp đắp thịt ếch nhái vào mắt, hậu quả ký sinh trùng từ ếch nhái chui vào gây bệnh trong mắt. 

Triệu chứng cảnh báo đau mắt đỏ

TS Nguyên cho biết, triệu chứng đầu tiên của bệnh là đỏ mắt, sau đó sưng mí, chảy nước mắt và gỉ ghèn, dính chặt mi mắt sau khi ngủ dậy. Mắt cộm cảm giác như có dị vật, tuy nhiên không đau nhức, không mờ mắt. Đây là một điểm quan trọng để phân biệt với các bệnh đỏ mắt do các nguyên nhân nguy hiểm khác như viêm loét giác mạc, viêm màng bồ đào, thiên đầu thống…

Ngoài ra, người bệnh còn có thể có triệu chứng của viêm đường hô hấp trên, sưng đau hạch góc hàm hoặc trước tai. 

Điều trị bệnh đau mắt đỏ thường không có các loại thuốc đặc hiệu, bởi nguyên nhân thường là do virus. Tuy nhiên, các bác sĩ thường kê đơn kháng sinh tra mắt liều trung bình để phòng ngừa bội nhiễm. 

Bên cạnh đó, người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc kháng viêm dạng corticoid (dexamethasone, hydrocortisone, flumetholon…) nếu không được các bác sĩ kê đơn. 

Khi mắt có giả mạc, bệnh nhân cần được làm thủ thuật bóc giả mạc nếu không sẽ gây ra những biến chứng nặng nề cho giác mạc. 

Ngoài các phương pháp điều trị trên, bệnh nhân cần chú ý chăm sóc mắt và toàn thân để tăng cường hiệu quả điều trị.

Cụ thể: 

- Cần rửa mắt bằng nước muối vô khuẩn làm sạch gỉ mắt, chườm lạnh mắt để giảm sưng viêm, đeo kính để tránh các kích thích gió bụi vào mắt.

- Ăn uống đủ chất, đủ vitamin để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Tốt nhất là bệnh nhân nên được nghỉ làm việc 3-5 ngày để bệnh dễ hồi phục và tránh lây nhiễm cho người khác.