Chữa côn trùng đốt bằng cây lá quanh nhà
Khi bị côn trùng tấn công, tuỳ mức độ tổn thương sẽ có những cách xử lý khác nhau. Tuy nhiên nếu can thiệp sớm, sẽ hạn chế được những biến chứng xấu, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng, do nọc độc côn trùng gây ra.
Khẩn trương rút ngòi
Trong hầu hết các trường hợp côn trùng cắn đốt, thường chỉ xảy ra những phản ứng nhẹ như đau ngứa, sưng đỏ… và sẽ tự khỏi trong vài giờ mà không để lại di chứng. Một số rất ít bị cắn nặng, có phản ứng lan tỏa với một quầng đỏ lan rộng, ngứa nhiều và đau nhức, cần rửa sạch vùng bị cắn đốt, chườm lạnh...
Nếu ngòi còn nằm trong da, cần nhẹ nhàng lấy ra (dùng nhíp nhổ, móng tay...), không để nguyên vòi trong da vì sẽ làm chất độc tiết ra nhiều. Nếu côn trùng còn bám thì có thể dùng một cây nhang hay một điếu thuốc cháy dở hơ sát vào chúng. Cũng có thể dùng các chất như cồn, xăng, dầu nóng... nhỏ một giọt vào chúng.
Bên cạnh những phản ứng tại chỗ, với một số người còn có thể bị dị ứng toàn thân như phù môi, mắt, nổi mày đay, co thắt phế quản, sốt… Nặng nhất là sốc phản vệ, nếu không cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm tính mạng. Những phản ứng này bắt buộc phải điều trị trong bệnh viện. Nếu để quá 6 giờ sau khi bị cắn, nguy cơ nhiễm khuẩn rất cao, đặc biệt với người cao tuổi và người suy giảm miễn dịch.
Một số mẹo thuốc hay
Bên cạnh điều trị tây y, có thể sử dụng một số cách chữa đông y, nhất là những trường hợp gặp nạn ở rừng hoặc nhà ở xa các cơ sở y tế, sơ cứu kịp thời bằng những vị thuốc xung quanh nhà là một lựa chọn nên ưu tiên. Dưới đây là một số bài thuốc dùng cho một số trường hợp khẩn cấp, đã được đông y kiểm chứng có hiệu quả, an toàn:
Ong đốt: rút ngòi ong ra, sau đó lấy lá bạc hà tươi rửa sạch, vò nát, xát vào. Hoặc lấy lá, dây, củ cây chìa vôi giã nhuyễn, đắp. Cũng có thể dùng vôi ăn trầu hoặc hột quất hồng bì giã nhuyễn, đắp. Hoặc cắt một lát củ ráy dại xát vào. Hoặc lấy rau sam rửa sạch, giã nhuyễn, đắp. Nếu là ong vò vẽ hay bồ nâu, dùng nước tiểu của bé trai khoẻ mạnh rửa vết đốt, sau đó dùng hành, hẹ, tỏi, sả, củ nén giã nát, vắt lấy nước cốt, hoà với chút rượu trắng cho uống.
Bọ cạp, nhện cắn: dùng rau húng chanh hay tỏi giã nhuyễn, trộn với cặn dầu dừa và vôi ăn trầu, đắp.
Ve chó cắn: không bắt ve ra ngay vì răng ve gãy còn lại sẽ gây đau nhức. Nên lấy nước điếu đặc chấm vào miệng ve hoặc lấy kim khâu hơ nóng hay điếu thuốc lá đang hút gí vào đít ve, ve sẽ tự nhả ra. Lấy vôi tôi bôi vào. Trường hợp răng ve còn nằm trong thịt, lấy thuốc lào tẩm nước điếu, đắp vào, băng lại.
Kiến cắn: dùng lá bạc hà rửa sạch, giã nhuyễn, đắp. Hoặc dùng lá húng chanh rửa sạch, giã nát, thêm ít muối, đắp vào vết thương.
Muỗi đốt: dùng tỏi hoặc hành tây đập giập, đắp.
Bọ nẹt, sâu róm cắn: lấy tóc xát kỹ, hoặc lấy nắm cơm lăn đi lăn lại nơi côn trùng tiếp xúc để lông dính hết vào cơm. Sau đó, dùng rau má, rau khoai lang, khoai sọ mỗi thứ một nắm, giã nhỏ, xát vào. Cũng có thể lấy một nắm lá rau sam rửa sạch, giã nát, đắp.
Rết cắn: dùng tỏi giã nát, đắp. Hoặc rau sam một nắm rửa sạch, giã nát, đắp. Hoặc củ gấu rửa sạch, giã nát, đắp. Hoặc lấy một nhúm nhỏ hạt mè (vừng) nghiền nát, đắp. Hoặc lá bạc hà một nắm rửa sạch, giã nát, đắp. Hoặc hột khổ qua (mướp đắng) rửa sạch, giã nhuyễn, đắp. Hoặc cọng khoai môn tước bỏ vỏ, giã nhuyễn, trộn với cặn dầu dừa và vôi ăn trầu, đắp.
Theo ThS.BS Võ Thị Thu
Sài Gòn tiếp thị