Chủ tịch TPHCM: Không cho phép để thiếu thuốc ảnh hưởng tính mạng người dân

Hoàng Lê

(Dân trí) - Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị ngành y tế không vì khó khăn khiến việc mua sắm bị ách tắc, làm thiếu thuốc, vật tư y tế.

Ngày 3/6, Bệnh viện Nhi đồng 1 chính thức khánh thành Trung tâm tim mạch trẻ em. Đây là một trong 5 trung tâm chuyên sâu về Nhi khoa của bệnh viện, được xây dựng mới ngang tầm các nước bằng ngân sách đầu tư của TPHCM.

TPHCM rút ra nhiều bài học sau dịch Covid-19

Có mặt tại buổi khánh thành, Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19, địa phương có rất nhiều nỗ lực trong việc đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất cho ngành y. Ngoài các công trình do Trung ương đầu tư, địa phương đã khánh thành nhiều công trình như Bệnh viện Truyền máu huyết học, Trung tâm xét nghiệm của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch... Nhờ vậy đã chăm sóc tốt hơn, cứu sống được nhiều mạng sống cho nhân dân TPHCM và cả nước.

Hiện tại TPHCM vẫn đang rất tập trung xây dựng, hoàn thiện các công trình y tế ở các cửa ngõ quận huyện, sửa chữa xây mới các trạm y tế… TPHCM cố gắng đến năm 2025 sẽ có thêm các cơ sở vật chất, không chỉ về số lượng mà còn nâng tầm chất lượng, trình độ quốc tế.

Chủ tịch TPHCM: Không cho phép để thiếu thuốc ảnh hưởng tính mạng người dân - 1

Trẻ điều trị tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Ảnh: Hoàng Lê).

Ông Phan Văn Mãi ghi nhận, Bệnh viện Nhi đồng 1 bằng sự nỗ lực đã trở thành một trung tâm nhi khoa chuyên sâu, ngang tầm khu vực và quốc tế. Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất, Bệnh viện Nhi đồng 1 và ngành y tế TPHCM nói chung phải tiếp tục làm tốt vai trò, sứ mạng của "tuyến cuối", không chỉ là chỗ dựa chăm sóc sức khỏe tốt cho người dân TPHCM mà còn cả khu vực miền Nam.

Theo ông Phan Văn Mãi, TPHCM đã rút ra được nhiều bài học và đang rất tập trung triển khai chiến lược y tế sau Covid-19. Theo đó, TPHCM sẽ định hình, tái cơ cấu lại ngành y tế để quan tâm đầu tư các mảng, như y tế dự phòng, vấn đề chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế tuyến cơ sở, các loại hình y học cổ truyền, y học gia đình... Trong đại dịch, TPHCM thấy rằng nhiều lĩnh vực y tế có tiềm lực nhưng chưa đặt để vào trong hệ thống, chưa đầu tư đúng mức, nên chưa phát huy được.

Thứ hai, TPHCM cũng có chiến lược để đào tạo nguồn nhân lực tiếp cận được trình độ khu vực và thế giới, các chính sách chăm lo và phát huy đội ngũ y bác sĩ, cán bộ ngành y tế. Ông Mãi nhận định, cơ sở vật chất có vai trò quan trọng, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là nguồn nhân lực.

Chủ tịch TPHCM: Không cho phép để thiếu thuốc ảnh hưởng tính mạng người dân - 2

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Không cho phép để thiếu thốn thuốc ảnh hưởng tính mạng người dân

Đặc biệt, ông Phan Văn Mãi chia sẻ một vấn đề đang rất nhức nhối, làm cho cả xã hội ưu tư. Đó là sau đại dịch, hàng loạt các vụ thanh kiểm tra, xử lý sai phạm về y tế làm cho không chỉ người trong ngành mà bên ngoài cũng e dè, dẫn đến việc ngại mua sắm, ngại đầu tư, làm thiếu thuốc men, hóa chất, trang thiết bị y tế. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe, điều trị.

Ông Mãi cho biết, vấn đề này đã được nói ra ở diễn đàn Quốc hội, đã đến được các lãnh đạo đất nước và các cơ quan chức năng. Bộ Y tế cũng rất tích cực tham mưu để có những nghị định, thông tư, để làm sao có khung pháp lý trước mắt. Lâu dài, các luật liên quan sẽ được sửa đổi.

Chủ tịch UBND TPHCM mong muốn ngành y tế TPHCM với tư cách là một trung tâm lớn phải phát hiện và tự giải quyết các vấn đề của mình, bằng cách đề xuất giải pháp. Không vì khó khăn mà khiến việc mua sắm bị ách tắc, làm thiếu thuốc, vật tư, phương tiện, làm công tác chăm sóc sức khỏe không đạt chất lượng. Nếu để việc thiếu thốn này làm ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng người dân TPHCM là điều không cho phép.

Chủ tịch TPHCM: Không cho phép để thiếu thuốc ảnh hưởng tính mạng người dân - 3

Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, không cho phép để xảy ra việc thiếu thốn thuốc men, vật tư y tế gây ảnh hưởng tính mạng người dân (Ảnh: Hoàng Lê).

"Trong khi kiến nghị Bộ, Chính phủ và Trung ương có những biện pháp tháo gỡ, chúng ta phải có những hành động kịp thời. Rất mong ngành y tế và UBND TPHCM cùng nhau giải quyết vấn đề trước mắt và có những đề xuất lâu dài" - ông Phan Văn Mãi nói.

Ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, ngành y tế địa phương đã và đang phát triển theo hướng kiềng ba chân. Chân thứ nhất là liên tục nâng cao trình độ kỹ thuật. Chân thứ hai là luôn luôn cải tiến các dịch vụ, thực sự coi người bệnh là khách hàng, là trung tâm. Chân thứ ba là mọi hoạt động luôn phải tuân thủ quy định của pháp luật.

Ông Thượng khẳng định, điều TPHCM quan tâm là làm sao xây dựng được ngành y tế địa phương ngang tầm khu vực và thế giới, từng bước một thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu.

Trung tâm Tim mạch trẻ em, Bệnh viện Nhi đồng 1 gồm các khoa Nội tim mạch, Ngoại tim mạch, Đơn vị thông tim-điện sinh lý, Hồi sức ngoại, Hồi sức tim.

Sau khi đi vào hoạt động, Trung tâm triển khai những kỹ thuật chẩn đoán chuyên sâu (như MRI tim, thăm dò điện sinh lý…), các kỹ thuật điều trị từ đơn giản đến phức tạp, như phẫu thuật chuyển vị đại động mạch, thất phải 2 đường ra, không lỗ van động mạch phổi, thân chung động mạch, thiểu sản cung động mạch, tim 1 thất…. Đặc biệt, Trung tâm sẽ triển khai kỹ thuật ghép tim trẻ em trong thời gian tới.

Đây cũng là nơi đào tạo, huấn luyện và chuyển giao các kỹ thuật về can thiệp tim mạch ở trẻ em cho nhiều bệnh viện trong và ngoài nước.