Chống dịch Covid: “Việt Nam đã chiến thắng cuộc chiến mở màn”

(Dân trí) - Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, đến giờ phút này Việt Nam đã thắng chiến dịch mở màn đầu tiên nhưng chưa chiến thắng cả cuộc chiến. Tình hình dịch bệnh còn thay đổi rất khó lường.

Sáng ngày 25/2, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến Triển khai công tác y tế năm 2020 và phòng, chống dịch bệnh Covid-19 với 63 tỉnh, thành phố tại hơn 700 điểm cầu. Trong đó nội dung được tập chủ yếu là công tác phòng chống dịch bệnh do virus corona mới. Các lãnh đạo Bộ Y tế rất nhiều lần nhắc lại việc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương không được chủ quan.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Việt Nam tính đến tình huống xấu nhất để không bao giờ tình huống xấu nhất xảy ra. Phương châm chống dịch là ngăn chặn triệt để, phát hiện và phát hiện sớm nhất, cách ly và cách ly ngay lập tức, khoanh vùng và khoanh thật gọn, dập tắt và dập tắt triệt để. Việt Nam đã làm rất tốt điều này, Sơn Lôi sang ngày thứ 13.

Chống dịch Covid: “Việt Nam đã chiến thắng cuộc chiến mở màn” - 1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đại tại hội nghị.

“Chúng ta xác định chống dịch trong thời đại này là thời đại thông tin, vì thế dùng thông tin để minh bạch tất cả. Chúng ta chủ động ngay từ đầu, làm việc với các nhà mạng, cơ quan báo chí, công ty công nghệ thông tin để đưa thông tin ngay, thật, kịp thời, minh bạch nhất có thể ra tất cả các loại hình kể cả mạng xã hội”, Phó thủ tướng nói.

Theo Phó thủ tướng phải minh bạch mới cảnh báo đến cho nhân dân nguy cơ và việc cần làm để mọi người dân tham gia chống dịch. Chống dịch không phải chỉ là công việc của riêng ngành y tế, biên phòng mà đầu tiên, kiên quyết là từng người dân phải ý thức được. Đây là lần đầu tiên lực lượng quân đội tham gia toàn diện. Lần này có thể coi như là diễn tập cho các tình huống ứng phó dịch bệnh nói riêng và các vấn đề về an ninh nói riêng.

Việt Nam có thể nói đã kiểm soát tốt dịch bệnh dù là quốc gia có biên giới đất liền với Trung quốc, giao lưu đường hàng không, đường bộ, đường thuỷ, không chỉ khách du lịch mà số lượng qua lại làm ăn rất đông.

“Chúng ta được đánh giá là nước có nguy cơ cao nhất lây nhiễm nhưng đến nay chúng ta chỉ có 16 ca dương tính. Đến nay, toàn bộ 16 bệnh nhân đã khỏi bệnh”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng ví công cuộc phòng chống dịch như một cuộc chiến. Đến giờ phút này chúng ta đã thắng chiến dịch mở màn đầu tiên nhưng chưa chiến thắng cả cuộc chiến. Tình hình này còn thay đổi rất khó lường, quan trọng là có lòng tin, bám sát chỉ đạo, kiên trì kiên định các biện pháp chống dịch.

 “Tôi rất mừng vì tình hình đến ngày hôm nay người dân đã hiểu hơn, không như thời gian đầu có biểu hiện hoảng sợ quá mức. Tuy nhiên tôi cũng lo vì đó đây có biểu hiện chủ quan lơ là. Tôi xin cảnh báo tất cả các cấp chính quyền không được lơ là”, Phó thủ tướng nói.

“Không lo sợ thái quá, có hành vi không cần thiết như trước, bước vào môi trường hoàn toàn mà vẫn đeo khẩu trang là không cần thiết. Tuy nhiên khi  ra chỗ công cộng đông người, trên phương tiện giao thông công cộng tại thời điểm hiện nay vẫn cần thực hiện các biện pháp dự phòng cho bản thân và cho cộng đồng là cần đeo khẩu trang, không nhất thiết phải đeo khẩu trang y tế”, Phó thủ tướng cho biết thêm.

Phó thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục bám sát 5 nguyên tắc chống dịch trên. Công việc cần triển khai ngay trước mắt là tiếp tục kiểm soát chặt chẽ những người đến từ vùng dịch, trước đây là các tỉnh của Trung Quốc bây giờ là 2 địa phương của Hàn Quốc. Tại thời điểm bây giờ phải cách ly, là biện pháp tốt nhất. Đã cách ly chắc chắn có sự bất tiện cho người được cách ly, nhưng đây là trách nhiệm với bản thân mình và trách nhiệm với cộng đồng.

Việc cách ly ở tỉnh biên giới- nơi giao lưu nhiều và đông nên giao cho lực lượng quân y, quân đội tổ chức. Việc phân tuyến từ các tỉnh biến giới về các tuyến trong này đã có văn bản chỉ đạo giao cho Bộ quốc phòng chủ động triển khai. Các tỉnh có trách nhiệm hợp tác hỗ trợ thực hiện.

Phó thủ tướng yêu cầu đảm bảo cách ly thật tốt, an toàn, không để lây nhiễm trong khu cách ly, trong bệnh viện. Mục tiêu cố gắng để ngắt dịch sớm,

“Tinh thần là không được lơ là nhưng như Thủ tướng đã chống dịch thành công là tốt nhưng cũng phải đưa cuộc sống sản xuất kinh doanh sớm trở lại”, Phó thủ tướng nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cũng cho biết cơ quan chức năng đã đồng thuận giảm thuế nguyên phụ liệu sản xuất hàng phục vụ chống dịch, trong đó có nguyên liệu sản xuất khẩu trang. Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng thu gom thuốc kháng sinh và thuốc liên quan phòng chống dịch. Vì thế, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra kiểm tra.

Thứ trưởng cũng đề nghị các doanh nghiệp cung ứng thuốc, nguyên liệu làm thuốc tìm nguồn từ thị trường khác ngoài thị trường đang có dịch. Bộ cũng đã xuất cấp cloramin B từ nguồn dự trữ.

Theo ông Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - tổ trưởng tổ công tác của Bộ Y tế tại tâm dịch Sơn Lôi, xã Sơn Lôi cách đây 2 tuần là một tâm điểm dịch của Việt Nam lúc bấy giờ. Trong 2 tuần ghi nhận 6 ca mắc mới, nguy hiểm hơn là dịch có biểu hiện lây lan trong cộng đồng, đặt ra vấn đề uy hiếp rất lớn lây lan dịch từ địa phương này này sang địa phương khác.

Lý do là sự di chuyển giao lưu từ người ở vùng dịch ra bên ngoài rất phưc tạp. Vì thế việc khoanh vùng cách ly xã Sơn Lôi là quyết định rất đúng đắn, kịp thời, trách nhiệm để ngăn chặn dịch bệnh không lây lan.

“Việc khoanh vùng cách ly Sơn Lôi không chỉ chống dịch riêng ở Vĩnh Phúc và chúng ta phải cảm ơn xã Sơn Lôi", ông Dương nhấn mạnh.

“Trong việc đối phó với các bệnh truyền nhiễm thì việc cách ly là việc tối quan trọng. Thành công trong việc cách ly tại Vĩnh Phúc là một bài học”, thứ trưởng Bộ Y tế Thanh Long cũng nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tổ công tác của Bộ Y tế tại Sơn Lôi nhanh chóng hoàn thiện sổ tay hướng dẫn cách ly để có thể áp dụng ở những trường hợp tương tự sau này. Ngay trong ngày mai 26/2, tổ phải gửi hướng dẫn này đến các tỉnh, rồi từ đó gửi đến các xã.

Từ ngày 4/2 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận, cách ly, theo dõi sức khỏe 1489 người. Trong đó 72% là nhập cảnh qua đường mòn mối mở, 93% là người dân các tỉnh khác ngoài Cao Bằng. Trong khi dự kiến khả năng tiếp nhận ban đầu là 700 người. Vì thế, tỉnh đã chuyển 502 người về cách ly tại Thái Nguyên, Bắc Kạn. Tại tỉnh hiện còn gần 700 người đang cách ly, theo dõi tập trung tại tỉnh, y tế địa phương và tại nhà. 

Nam Phương